Cơ hội du học miễn phí

Một nhóm giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm học tập sau đại học (SĐH) ở nước ngoài. Tại đây nhiều người từng khá thành công trong việc học tập, nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới đã cùng chia sẻ kinh nghiệm từ chính bản thân họ.

http://dantri4.vcmedia.vn/i:lsvaPE0d7foDdfJ7sLS/Image/2012/07/0704/3_e8bd1/sinhvienkhoatruyenthongnghethuatdhlatrobemelbourne.jpg

Điều kiện ngoại ngữ

Theo ThS Vũ Đình Phước, trưởng ban ngoại ngữ nhà trường, hiện có rất nhiều nguồn để các bạn trẻ học SĐH, với hàng loạt chương trình liên kết đào tạo ở các trường ĐH VN với ĐH nước ngoài và nguồn học bổng cũng đa dạng. Điều kiện cần nhất để học nước ngoài là trình độ ngoại ngữ. “Thực tế, những người có khả năng ngoại ngữ tốt không khó khi tìm một suất học bổng học nước ngoài. Nhưng nếu chưa trang bị tốt ngoại ngữ thì nên theo học các chương trình trong nước” – ông Phước nói.

Tuy nhiên, không ít bạn trẻ vẫn băn khoăn về tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào như thế nào mới có thể học SĐH ở nước ngoài.

Theo ông Phước, chuẩn ngoại ngữ đầu vào tùy theo từng trường có yêu cầu khác nhau. Trường uy tín cao thì điều kiện ngoại ngữ càng cao. Hiện nhiều trường khi tuyển sinh SĐH đều đưa điều kiện về ngoại ngữ IELTS – iTS 6.5, Toelf iBT 80 – 100 điểm.

“Thậm chí một số trường đặt yêu cầu đối với giảng viên ngoại ngữ có bằng thạc sĩ muốn theo học tiến sĩ vẫn đòi iTS 7.5”- ông Phước cho biết.

Nhiều giảng viên trẻ thắc mắc: cần chuẩn bị trước những kỹ năng nào để khi ra nước ngoài học tốt hơn? Một lời khuyên từ những người có nhiều kinh nghiệm là việc rèn luyện kỹ năng nghe rất quan trọng với các du học sinh.

“Không ít người vì không nghe tốt nên bị thua thiệt và gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập ở nước ngoài. Nếu không nghe kịp thì nên ghi âm để nghe lại…” – một giảng viên chia sẻ.

TS Hồ Viết Tiến, trưởng phòng quản lý khoa học – hợp tác quốc tế, trường còn cho rằng khi đi du học cần phải năng động và biết học cách tự xoay xở. “Xuống sân bay không ai đưa đón, không biết đi về đâu…Khi đó buộc bạn phải năng động hơn” – ông Tiến nói.

Học nước nào rẻ nhất ?

Theo TS Hồ Viết Tiến, hiện có hai khu vực dễ kiếm học bổng nhất là Úc và châu Âu. Đặc biệt ở châu Âu, Pháp và Đức có rất nhiều học bổng dành cho sinh viên VN (Đức 650 học bổng/năm, Pháp 200-300 học bổng/năm). Còn ở Mỹ phần lớn các học bổng tài trợ 50-75% học phí. Hiện nay mức học phí SĐH tự túc từ 20.000-200.000 USD/ năm. Nếu có được các chương trình học bổng của chính phủ sẽ được miễn học phí.

Tại buổi tọa đàm, nhiều giảng viên trẻ lo lắng việc học ở nước ngoài đòi hỏi nguồn chi phí rất lớn. Làm sao để tiếp cận nguồn học bổng? ThS Trương Thị Minh Lý, giảng viên khoa thương mại du lịch, hiện đang theo học chương trình đào tạo tiến sĩ DBA tại ĐH Western Sydney (Úc) từ năm 2009 đến nay – chia sẻ: “Kinh nghiệm săn học bổng của tôi là thường xuyên theo dõi thông báo học bổng ở trường”. (Trước đó, chị Lý từng tham gia chương trình trao đổi sinh viên Việt – Nhật và nhận học bổng học thạc sĩ ở Hàn Quốc).

Trong khi ThS Nguyễn Hữu Nam, cho biết chỉ cần chịu khó săn lùng trên mạng, chủ động đăng ký sẽ có không ít nguồn học bổng đến với mình. Nhưng nhiều học bổng chỉ gồm học phí, trong khi các du học sinh phải học tập tại những thành phố lớn, mức sống cao, chi phí đắt đỏ…

Thực tế với những người mới lần đầu ra nước ngoài học tập sẽ gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là tài chính. “Khác với VN, ở các nước nếu chọn ở ký túc xá phải trả phí cao hơn rất nhiều. Với mức học bổng một số chương trình hiện nay sẽ không đủ tiền ở ký túc xá” – chị Lý nói.

Bởi lẽ khi ký hợp đồng ở ký túc xá, nhiều trường bắt buộc ký một năm. Tuy nhiên, thực tế theo chị Lý có thể “trả giá” giảm thời hạn ký hợp đồng. Sau một thời gian một, hai tháng có thể ra ngoài tìm phòng trọ thuê thì chi phí sẽ giảm rất nhiều.

Ông Tiến cho biết thêm: “Chi phí ở trọ hiện nay đắt nhất là nước Úc (khoảng 250 đô la Úc/tuần), trong khi ở châu Âu rẻ nhất với 140-180 USD/tuần. Ở Pháp còn có chính sách cho người nghèo, nếu ra trụ sở chính quyền địa phương khai báo mình là người nghèo sẽ được giảm 50% chi phí ở”. Các giảng viên cũng cho rằng du học sinh cần cân nhắc trong việc chọn chỗ ở. Nếu tìm nơi ít người Việt có thể bị sốc về văn hóa nhưng bù lại có điều kiện trau dồi ngoại ngữ tốt hơn.

Mỹ Ngọc (Sưu tầm)