Du học liên kết cần chuẩn bị gì

Hiện  nay có rất nhiều lời quảng cáo về du học liên kết của các trường đại học trong nước. Tuy nhiên không phải lời rao nào cũng đáng tin cậy. Phụ huynh và học sinh cần lưu ý tìm hiểu kinh nghiệm du học liên kết để nhận dạng được một môi trường đào tạo du học đúng chuẩn.

Với du học liên kết, việc chọn đúng mặt để gửi vàng còn cam go hơn du học ở nước ngoài

Việc đảm bảo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài mà mình chọn đã được Bộ GD&ĐT cấp giấy phép vẫn chưa đủ để phụ huynh – HS xác tín chất lượng đào tạo cụ thể. Khi đó, phụ huynh – HS cần tiến hành các bước:

1. Kiểm tra trường bạn dự định theo học có được kiểm định bởi các tổ chức uy tín hay không

Một trong những trang web uy tín đưa ra xếp hạng của các chương trình học trên thế giới là: http://www.guardian.co.uk/. Trang web này cho phép người đọc kiểm tra thông tin về: danh tiếng đào tạo, khả năng sinh viên (SV) có việc làm sau khi tốt nghiệp; tỉ lệ SV trên giáo viên, chi tiêu của trường dành cho mỗi SV…

2. Kiểm tra sự liên kết giữa trường VN và trường nước ngoài

Bạn có thể liên hệ trực tiếp bằng cách gửi email tới trường hoặc xem qua website nhà trường xem các trường này có mối liên kết với những trường VN không. Thậm chí nhiều trường còn được ưu đãi về mặt chính trị và bạn có thể kiểm tra tại đại sứ quán của nước có trường liên kết.

3. Kiểm tra cơ sở vật chất tại trường VN

Công bằng mà nói, nếu trường nào đầu tư ngắn hạn hoặc làm việc theo kiểu “chộp giật” thì hẳn sẽ không đầu tư vào trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại. Đây cũng là một yếu tố góp phần làm nên chất lượng giáo dục đào tạo nên du HS cũng cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký theo học.

4. Nghiên cứu sâu về khóa học và chương trình đào tạo cũng như cách thức đánh giá và chấm điểm

Nhiều trường ĐH tại nước ngoài quy định nếu rớt một môn học hai lần sẽ bị đuổi học. Khi đó, trường cũng thông báo lên lãnh sự quán để “cắt” visa và du HS buộc phải về nước. Chính vì vậy, du HS cần nghiên cứu sâu hơn về khóa học để chuẩn bị cho tốt nếu không muốn… “đứt gánh giữa đường”.

5. Cuối cùng, nên tham khảo kinh nghiệm từ những du HS tại các nước sở tại

Một điểm cực kỳ quan trọng, du HS nên tham khảo từ các anh chị đang du học năm cuối, các anh chị người Việt đang sinh sống và làm việc tại các nước sở tại, các nhà tuyển dụng để cân nhắc các cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp tại các trường mình chọn du học.

Kinh nghiệm du học liên kết ở nước ngoài

Khi lựa chọn một trường quốc tế để học tập, các bạn hãy dành thời gian và tâm sức nghiên cứu thật kỹ ngôi trường mình sẽ theo học, môi trường sinh hoạt tại các nước, thậm chí cả các “kinh nghiệm sống” cần thiết khi du học liên kết ở nước ngoài. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà các chuyên gia tư vấn du học, cựu du HS của các chương trình liên kết đào tạo chia sẻ với các HS-SV khi quyết định lựa chọn chương trình.

Vấn đề đầu tiên bạn cần phải quan tâm là xin visa du học. Thực tế, nhiều chương trình liên kết đào tạo hiện nay dù “bao” du HS xin được visa nhưng thường rất chậm trễ. Minh chứng cụ thể, chương trình liên kết đào tạo của ĐH Bách khoa TP.HCM với Trường ĐH Illinois tại Springfield (Hoa Kỳ), đến nay nhiều SV đã kết thúc chương trình tại VN nhưng vẫn chưa được chuyển tiếp sang học tại Hoa Kỳ vì… “vướng visa”. Dự kiến các SV sẽ phải học trễ và ra trường muộn một học kỳ so với quy định.

Ngoài ra, vấn đề cực kỳ quan trọng đối với du HS những ngày đầu nhập học là nên học nấu ăn. Tốt nhất là nên học những món ăn truyền thống của quê hương sẽ giúp bạn bớt nhớ nhà trong thời gian đầu đi du học. Việc tự nấu ăn cũng giúp bạn giảm chi phí và có được những món ăn hợp khẩu vị và an toàn. Đặc biệt, việc kết bạn với những người xung quanh nơi bạn ở giúp bạn bớt cảm thấy lẻ loi và có người giúp đỡ trong trường hợp xảy ra những việc ngoài mong muốn, nhất là bạn có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới hơn.

Cuối cùng, để giữ liên lạc với người nhà, bạn nên tải các phần mềm đàm thoại miễn phí qua Internet. Một trong những phần mềm đàm thoại qua Internet miễn phí phổ biến nhất là Skype.

Nhóm liên quan: