Vì sao du học sinh không muốn về nước

Có rất nhiều lý do được đưa ra để các du học sinh cân nhắc mình sẽ ở lại làm việc hay về nước lập nghiệp. Không chỉ có vấn đề về thu nhập mà những du học sinh còn cảm thấy môi trường làm việc ở nước ngoài có sức sáng tạo và phát triển hơn so với môi trường trong nước.

Một sinh viên kiến trúc học tại Pháp, 28 tuổi, sắp lấy bằng tiến sỹ cho biết: “Em không biết khi về có một môi trường tốt để làm việc không? Ở đây, em đang có cơ hội việc làm. Một năm làm việc ở đây có thể bằng nhiều năm làm việc tại VN. Vấn đề không chỉ là thu nhập cao, mà là sự rút ngắn thời gian trưởng thành và cơ hội sáng tạo”.

Có rất nhiều sinh viên giỏi du học và đạt kết quả xuất sắc trong học tập ở nước ngoài hiện đang “đứng giữa đôi dòng nước” như vậy. Sinh viên Việt Nam hiếu học, chăm chỉ, thông minh, nhưng vẫn thiếu những cơ hội thực sự.

A. Đ., một trong số những du học sinh có được tấm bằng tiến sỹ ở lứa tuổi ngoài 20, với đề tài thuộc lĩnh vực môi trường từ Quebéc, Canada trở về cho biết: “Những gì chúng em được học và muốn làm thì rất khó thực hiện ở VN. Sự thiếu thốn các điều kiện thực hiện, và hàng loạt những vấn đề tế nhị khác về vấn đề thủ tục hành chính, về kinh phí, về con người và đặc biệt là sự nhìn nhận thiếu công bằng đối với những trí thức trẻ đã khiến những sinh viên giỏi không muốn trở lại môi trường làm việc ở VN sau khi tốt nghiệp”.

Một giáo viên trực tiếp giảng dạy ở hệ cử nhân tài năng – ĐHQG HN cho biết: “Một số em xuất sắc thi được học bổng du học vẫn gửi e-mail về cho tôi, nhưng hầu như không thấy em nào đề cập đến chuyện trở về”.

Một số sinh viên hệ cử nhân tài năng, chuyên ngành Tin học, Vật lý tại trường này cho biết: “Học ở hệ đào tạo đặc biệt này năm đầu tiên, chúng em thấy có sự khác biệt so với hệ đại trà. Tuy nhiên càng học sâu hơn, chúng em càng thấy thiếu thốn nhiều thứ trong việc học tập, đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Năm thứ 2, nhiều người trong chúng em chỉ chăm chăm vào một mục tiêu thi lấy học bổng du học.

Và du học xong thì không trở về hoặc nếu có cũng không có cơ hội để cống hiến. Đó là cái vòng luẩn quẩn của nhiều trí thức trẻ có tài.

Không kể hàng trăm sinh viên giỏi đã được tuyển chọn học các chương trình đào tạo đặc biệt trong nước, hàng năm còn có hàng trăm sinh viên khác tốt nghiệp các chương trình đào tạo ở nhiều ĐH nước ngoài trở về. Đó là nguồn nhân lực có thể đóng góp tốt cho các lĩnh vực kinh tế xã hội, nếu như có những cơ chế để tạo một môi trường cho họ làm việc, sáng tạo và phát triển.

Đến nay, chưa có một điều tra nào về thực trạng việc làm của những du học sinh, sau khi tốt nghiệp các trường ĐH nước ngoài trở về. Đây là vấn đề lớn, nhưng nhiều năm qua đã chưa được đặt ra một cách nghiêm túc. Những ưu đãi hiện hành với “người tài” mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, do các địa phương, các cơ quan đặt ra, tùy theo tình hình mà thực hiện, không phải một cơ chế ở tầm vĩ mô có khả năng khuyến khích những người có năng lực phấn đấu trong học tập và cống hiến theo yêu cầu ở các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Việt Báo (Theo-Ngoisao)

Nhóm liên quan: