Bí quyết cày IELTS điểm cao

Đọc thế nào đạt 9.0 điểm?

Chị Vũ Khánh Linh, sv năm cuối trường ĐH Ngoại thương, người đạt 9.0 điểm đọc trong kỳ thi IELTS chia sẻ: “Mình yêu thích học Tiếng Anh từ nhỏ nên luôn luôn đắm mình trong đó, lúc thì nghe nhạc, đọc sách báo, đặc biệt là mình mê truyện comic – truyện hài nên đọc suốt, vừa giải trí, vừa tăng vốn từ vựng và sự hiểu biết.”

Trong quá trình ôn luyện: Nhớ câu mưa dầm thấm lâu không? Đó, mỗi ngày học một ít, chăm chú, từ từ bình tĩnh mà học. Đừng nóng vội nhé. Khi bắt gặp các từ mới, không vội tra từ điển và cũng không nên tra từ điển tất cả các từ mới mà bạn gặp phải. Tốt nhất, bạn hãy học cách đoán ý dựa vào văn cảnh.

Khi làm bài thi phần reading thì cách tốt nhất là đọc lần lượt, đọc câu nào chắc câu đó và nhớ ghi luôn vào answer sheet bởi nếu bạn viết vào booklet sau đó mới điền vào answer sheet thì sẽ không đủ thời gian cho bài thi. Để tránh lẫn lộn trong khi làm bài, bạn cũng nên hạn chế việc nhảy bài hay nhảy đoạn.

Nghe như nào thì điểm tối đa?

9.0 là con số trong mơ của những ai theo đuổi IELTS. Muốn thế, khi nghe, bạn cần phải biết đâu là bẫy để tránh. Thông thường, chúng ta chỉ tập trung vào những từ đọc chậm, đọc rõ ràng, trong khi đáp án lại không nằm ở đó mà nằm rải rác cả bài.

Một kinh nghiệm được rút ra từ một số cá nhân đạt điểm cao IELTS là ngay khi được giao bài thi, bạn nên xem section 4 trước, bởi section 4 là phần khó nhất mà cũng có ít thời gian nhất. Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối không dừng lại ở một câu quá lâu bởi dừng lại quá lâu ở câu này có thể sẽ không nghe được câu sau. Thậm chí, bạn có khả năng bỏ qua cả một xâu chuỗi các câu hỏi nếu bạn dừng lại quá lâu.

Như thế, các bài nghe IELTS cũng chỉ nên nghe ba lần, một lần để làm bài, lần thứ hai nghe lại để xác định các câu mình sai, sai như thế nào để lần sau rút kinh nghiệm. Lần cuối cùng, bạn vừa nghe vừa nhìn vào tape script để hiểu rõ hơn cách phát âm và diễn đạt ý, hiểu được mình sai chỗ nào, yếu chỗ nào và tìm cách cải thiện.

Ảnh minh họa.

Viết 6 – 6,5 là đơn giản như… đan rổ

Nhưng kiếm được 7 hoặc từ 7 trở lên thì đòi hỏi bạn cần vốn từ vựng sung túc. Trong quá trình viết, bạn phải thể hiện theo một cấu trúc logic chặt chẽ giữa các đoạn, tránh rời rạc, thậm chí phi lý.

Quá trình ôn luyện để viết tốt đòi hỏi bạn phải chịu khó đọc sách để học cấu trúc và từ vựng. Làm giàu có vốn từ và ngữ pháp của mình thông qua một số cuốn sách luyện thi Writing như quyển Cambridge, Academic Writing hay Insight into IELTS.

Khi học từ vựng hay các cụm từ mới để miêu tả sơ đồ, bảng biểu trong phần Writing, muốn đạt điểm cao, các bạn nên tránh những từ đơn giản như “increase”, “decrease”, “rise”, và “fall”. Tốt nhất bạn nên chỉ tập trung học những cụm từ có tính học thuật cao. Trước kì thi, bạn nên liệt kê ra những từ định sử dụng và sắp xếp theo mức độ từ có tính học thuật cao nhất trước và nhớ cách sử dụng thành thạo chúng trước.

Trong khi làm bài bạn nên đọc đề task 2 trước rồi sau đó bắt tay vào làm task 1. Trong khi đang viết task 1 mà nghĩ ra ý cho task 2 thì bạn nên đánh dấu ngay vào outline cho task 2. Trong quá trình viết essay, đếm số lượng từ cũng là một điều bạn nên lưu ý, tránh viết quá ngắn ( sẽ bị trừ điểm) và cũng không nên viết quá dài bởi càng dài càng nhiều lỗi.

Mỗi dòng sẽ viết khoảng 10 từ, vậy task bạn nên viết trong khoảng 16-20 dòng, task 2 khoảng 25-30 dòng. Trong trường hợp hết giờ mà bạn vẫn còn đang lúng túng chưa viết xong thân bài của task 2 thì cách tốt nhất là bỏ đấy và viết ngay kết luận. Một bài essay sẽ bị trừ điểm rất nặng nếu không có đủ mở bài, thân bài và kết luận.

Học ăn, học nói…. tiếp tục học nói

Về phần thi Speaking (Nói), các bạn nên thật bình tĩnh. Nếu cần thì luyện thêm một vài động tác hít thở sâu cũng được.

Trước khi bắt đầu bài nói của mình, bạn nên điều chỉnh lại giọng nói và cách phát âm sao cho không bị sai. Không nên để khoảng trống trong bài thi nói của mình, đồng thời kéo dài phần trả lời càng nhiều càng tốt, vì như thế bạn không phải trả lời quá nhiều câu hỏi của Ban giám khảo. Nhưng chú ý là không “chém” vô tội vạ nhé!

Để nói tốt thì không có cách nào khác là phải chăm chỉ tiếp xúc với người bản ngữ. Qua các kênh như xem phim, nghe nhạc, bạn cứ “ú ớ” hát theo chắc cũng chẳng phiền ai. Trong lúc làm việc hay chơi cùng thú cưng, bạn hãy cứ chia sẻ bằng… ngoại ngữ thứ hai, chắc chắn các em thú cũng không nỡ lòng nào bắt bạn phải nói thật chuẩn đâu nhỉ?

Theo ione

Nhóm liên quan: , ,