Du học: Những cám dỗ khó cưỡng và những bi kịch

Nhiều gia đình đua nhau cho con đi du học, nhưng không phải ai cũng toại nguyện, thậm chí có những người “tiền mất, tật mang”. Bằng ngoại, chứng chỉ nước ngoài đâu chẳng thấy, đổi lại là sự mất mát cùng nỗi đau không thể nguôi ngoai.

“Nghĩ về khoản học phí chi trả hàng năm quá lớn, mình đã đi làm thêm. Rồi dần dần khi các mối quan hệ trở nên phức tạp lên, cũng là lúc mình “trượt dài”. Bên đó mọi thứ đều theo chủ nghĩa tự do, sống thoáng, yêu theo sở thích và làm bất kỳ điều gì mình muốn. Mình cứ thế lao như thiêu thân vào những cuộc tình, để rồi lạc vào thế giới của những cô gái bao, xuất hiện đều đặn tại các quán bar và vũ trường…” – tâm sự của Nhung khi du học ở Úc.

Lạc bước nơi xứ người

Những năm gần đây, khát vọng cho con đi du học trời Tây đã ngấm trong suy nghĩ và tâm lý của nhiều bậc phụ huynh Việt. Thậm chí không ít người dốc hết của cải, đầu tư cho con “đem chuông đi đánh xứ người” những mong con có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có những cuộc đầu tư mang lại nhiều “lợi nhuận”, nhưng bên cạnh đó cũng có những “canh bạc” kết thúc bằng bi kịch đau thương.

Không nổi tiếng học hành giỏi giang nhưng cũng xếp vào hạng học khá chắc, mặc dù sinh ra trong gia đình bình thường, bố mẹ kinh doanh một cửa hàng ăn uống nhỏ ở khu phố nhưng Nhung (tên nhân vật đã thay đổi) được tạo điều kiện hết mức. Với hi vọng con gái có tương lai xán lạn, đồng thời để “nở mày nở mặt” với xóm giềng, bè bạn – bố mẹ cô đã bán hết đất và những tài sản tích cóp bao năm cho cô theo học ngành công nghệ tại một trường ĐH ở Úc trong vòng 5 năm.

Nhưng đến cả cô cũng không ngờ chuyến đi đó đã rẽ cuộc đời cô sang một hướng khác và là nỗi đau không thể nguôi ngoai của cha mẹ.

Môi trường sống thay đổi khiến bản thân Nhung cũng phải rùng mình vì sự “lột xác” của mình. Và cứ thế, không biết tự bao giờ, cô con gái bé bỏng mang theo sự hy sinh và kì vọng của cả gia đình đổ trôi theo rượu cồn, thuốc lá và những cơn say dài bất tận.

Nhớ về những tháng ngày đen tối đó, Nhung không khỏi xót xa: “Mình học hai năm đầu bố mẹ đã tốn quá nhiều tiền. Nhưng với mình số tiền 35.000 USD/năm để chi trả cho học phí và sinh hoạt là quá ít. Vì thế, mình cố gắng thích nghi và đi làm thêm, rồi dần dần khi các mối quan hệ trở nên phức tạp lên, cũng là lúc mình “trượt dài”. Bên đó mọi thứ đều theo chủ nghĩa tự do, sống thoáng, yêu theo sở thích và làm bất kỳ điều gì mình muốn. Mình cứ thế lao như thiêu thân vào những cuộc tình, để rồi lạc vào thế giới của những cô gái bao, xuất hiện đều đặn tại các quán bar và vũ trường.”

Còn một số gia đình có điều kiện nhưng vì con thi trượt đại học, nhưng không muốn để con thua bạn kém bè nên chọn giải pháp du học tự túc. Với tâm lý con có cái mác du học sinh thì bố mẹ cũng đẹp lòng, mọi người đều nể trọng, nên nhiều ông bố bà mẹ cho con đi nhưng học cả những trường chất lượng thấp, thậm chỉ chỉ xứng tầm ĐH hạng Ba ở Việt Nam.

Như trường hợp của Nguyễn Trung Nguyên (22 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội), sau khi thi ĐH thấy con thông báo có khả năng trượt cao, bố mẹ cậu đã tức tốc làm thủ tục đăng ký cho cậu một suất du học hệ CĐ tại một trường đào tạo kỹ thuật ở Trung Quốc trong vòng 3 năm. Nhưng với sức học non như Nguyên, việc tiếp cận kiến thức phức tạp liên quan đến kỹ thuật là điều rất khó khăn.

Sang Trung Quốc một năm nhưng Nguyên chỉ hiểu và nói bập bẹ tiếng Trung, “Viết còn không nổi huống chi học hành” – Nguyên cho biết. Thêm vào đó, xa nhà thiếu sự quản lý của bố mẹ, chán nản chuyện học hành nên Nguyên thường xuyên bỏ học và tìm đến những thú vui khác.

Và những bi kịch

Du học để đổi đời và có một cuộc sống tốt hơn là điều ai cũng muốn. Nhưng xu hướng sính ngoại của nhiều phụ huynh, chạy theo phong trào mà không có những định hướng cụ thể cho con lại biến những chuyến du học tại những miền đất hứa trở thành bi kịch gia đình, nhất là khi những đứa con không đủ bản lĩnh vượt qua những cám dỗ…

Câu chuyện của Nhung, những tưởng cho con theo học ĐH nước ngoài sẽ sớm làm đẹp lòng mẹ cha. Nhưng bố mẹ cô nào hay biết con mình đã sống và học như thế nào, chỉ biết gửi tiền đều đặn, chu cấp không thiếu một đồng để con chuyên tâm học hành.

Và trong một lần truy quét của cảnh sát Úc, một nhóm sinh viên ngoại quốc bị bắt trong khi đang thác loạn và sử dụng chất ma túy, trong đó có Nhung. Khi vụ việc được đăng tải trên báo chí, cũng là lúc mẹ cô ngất đi vì sốc, còn bố cô chết lặng trong đau đớn. Vét hết số tiền còn lại, vay mượn, chạy vạy khắp nơi để gửi tiền cho con để hoàn tất các thủ tục, nhờ người bảo lãnh cho về nước.

Ngày Nhung trở về cũng là ngày cô chịu đựng sự giày vò trong chính bản thân mình khi chứng kiến cảnh bố mẹ tiều tụy, suy sụp, xóm giềng dè bỉu, nhiếc móc, thậm chí kỳ thị.

“Nếu biết trước kết quả của chuyến du học tại trời Tây là những giọt nước mắt mặn đắng trong nỗi tủi hổ, ê chề của cha mẹ và một cuộc sống bế tắc, tương lai u tối, thì thà làm công nhân chứ nhất định tôi không đi Úc.” – Nhung tâm sự.

Còn Nguyễn Trung Nguyên sau một năm theo học tại Trung Quốc, vì quá ngán ngẩm cảnh sống thiếu thốn nơi xứ người, lại thêm chuyện bỏ bê học hành, lao vào những cuộc ăn chơi trác táng, Nguyên đã “đốt” của bố mẹ không biết bao nhiêu tiền. Chán chường, Nguyên bỏ dở giữa chừng lên đường về nước. Nhìn thấy con bố mẹ Nguyên phải “giật mình”, nghe tin con bỏ học như “sét đánh ngang tai”…

Khác với Nguyên, ở Anh nhịp sống sôi động cuốn Tuấn đi quá xa để có thể tự quay đầu. Ngoài những cuộc ăn chơi trác táng, Tuấn còn gửi về cho gia đình liên tục những khoản nợ lớn, bé vì cá độ bóng đá. Hơn một lần người cha già đã phải lặn lội đường xa mang tiền sang Anh để trả nợ. Để rồi lần cuối cùng trả nợ cho con cũng là lúc bố mẹ Tuấn phải bán căn nhà mình đang ở, nếu không sẽ mất cả tiền lẫn con.

Theo Kenh14

Nhóm liên quan: , , ,