Kinh nghiệm du học Singapore

Nguyễn Tuấn Việt, nguyên là học sinh giỏi của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Là một trong những lứa HS đầu tiên nhập học tại Jurong Junior College (Singapore), Tuấn Việt đã hoàn tất chương trình Trung học phổ thông 2 năm với kì tích đạt 4 điểm A trong kì thi A-Levels. Hiện giờ, Việt đang ráo riết chuẩn bị xin Học bổng chương trình Cử nhân Danh dự tại trường Đại học Southern New Hampshire (Mỹ) với thời gian đào tạo rút ngắn 3 năm.

Em có thể chia sẻ những khó khăn mà em đã gặp trong thời gian đầu khi học tập & sinh sống tại Singapore. Em đã làm gì để khắc phục những khó khăn đó?

Khó khăn lớn nhất em gặp phải là rào cản ngôn ngữ. Trong suốt vài tháng đầu, việc giao tiếp của em với người bản địa gặp khó khăn, phần nhiều là do phát âm của người Singapore lạ và khó nghe. Bên cạnh đó, việc chuyển hoàn toàn từ giao tiếp bằng tiếng Việt sang tiếng Anh cũng là trở ngại lớn trong những tháng đầu, nhất là khi tiếp xúc với bạn bè cùng lớp bên ấy. Khó khăn tiếp theo là cách học tập bên ấy. Với một thời gian biểu hoàn toàn khác biệt, em khá bỡ ngỡ trong việc chuẩn bị cho từng môn học. Do số lượng môn học ít nên tần suất từng môn xuất hiện nhiều trong tuần, làm quen với cách học này cũng khá tốn thời gian.

Hai vấn đề lớn này mang tính bản địa, do đó rất khó để chuẩn bị sẵn ở Việt Nam. Theo em, cách tốt nhất là chuẩn bị sẵn tâm lý ở Việt Nam cho những khó khăn này. Khi đã sang bên đó, hãy cố gắng giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng bạn bè nhiều hơn, chỉ khoảng 2 đến 3 tháng, việc giao tiếp sẽ dễ dàng hơn nhiều. Với vấn đề thời gian học tập, em cũng cố gắng tập quen dần. Điều quan trọng là không bỏ bất cứ lớp nào cũng như bài nào cả.

Theo Việt thì các bạn đi du học vào thời điểm lớp 10 là thích hợp chưa? Nếu được lựa chọn em muốn mình được đi sớm hơn hay trễ hơn?

Theo em, thời điểm lớp 10 là khá thích hợp, nếu không nói là tuyệt vời. Em cho rằng du học sớm hơn sẽ khó khăn rất nhiều vì chúng ta chưa trưởng thành về mặt thể chất cũng như tinh thần. Mọi việc kể cả chăm sóc bản thân, việc nhà và cả việc học đều có thể trở thành gánh nặng. Thời điểm lớp 10 thích hợp vì đó là giai đoạn chúng ta bước sang tuổi trưởng thành, giai đoạn ham muốn tìm hiểu và khám phá. Do đó, khi đi du học vào thời điểm này, không chỉ học vấn sẽ được mở rộng mà em tin rằng kĩ năng tư duy, làm việc cũng như nhân cách cũng sẽ thay đổi hoàn toàn. Ở độ tuổi này, ham muốn, quyết tâm và năng lượng sẽ giúp bản thân học hỏi được nhiều nhất từ việc du học so với khi đi sớm hơn hay trễ hơn.

Em cảm nhận thế nào về con người, cuộc sống và chất lượng cũng như môi trường giáo dục tại Singapore?

Em thấy Singapore là một đất nước xanh, sạch , văn minh và rất an toàn. Cuộc sống ở đây khá thuận tiện, nhất là về giao thông. Hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm hoạt động hiệu quả và kinh tế. Giá cả ở đây đáp ứng tất cả những nhu cầu từ cao tới thấp. Ngoài ra, các dịch vụ khác như ngân hàng, bệnh viện, thư viện… rất dễ tiếp cận. Mặc dù ở đây có nhiều nhà hàng, quán ăn của người Việt nhưng nói chung, món ăn Việt Nam chưa phổ biến, do đó du học sinh Việt Nam sẽ phải làm quen với món ăn bản địa hoặc tự nấu ở nhà.

Nền giáo dục Singapore có chất lượng rất cao. Do hầu hết các trường công lập sử dụng chương trình A-Level của Đại học Cambridge, học sinh (HS) sẽ được đảm bảo về sự hòa nhập cũng như chứng nhận mang tính quốc tế. Bên cạnh việc học vấn, các trường công lập Singapore luôn hướng HS vào các hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng. Nền giáo dục Singapore tập trung vào việc cung cấp nhân lực cho nền kinh tế, do đó hoạt động hướng nghiệp cũng như phát triển sở thích cá nhân rất được xem trọng ở các trường công lập.

Ngoài thời gian học chính khóa của trường, em và các bạn có tham gia hoạt động ngoại khóa bên ngoài hay không?

Dạ có, những hoạt động ngoại khóa rất phổ biến ở Singapore. Ngoài việc học chính khóa, tụi em còn tham gia các club (câu lạc bộ) của nhà trường như nhiếp ảnh và Hội HS quốc tế. Bên cạnh đó, em và các bạn còn tham gia tổ chức một số hoạt động của trường, và những hoạt động mang tính cộng đồng khác.

Có những thuận lợi và khó khăn gì khi ở trong Kí túc xá (KTX) của nhà trường?

KTX của nhà trường khá gần trường nên việc đến trường rất đơn giản. Ngoài ra, do gần trạm xe buýt nên việc di chuyển đến các nơi khác rất nhanh chóng. Mặc dù vậy, vì ở xa trung tâm, việc đi chơi của tụi em cũng như mua sắm ở những nơi gần trung tâm mất khá nhiều thời gian. Việc sinh hoạt hằng ngày ở KTX cũng khá thoải mái, với 1 siêu thị và 1 foodcourt (khu trung tâm ăn uống) gần đấy, nên tụi em ăn uống và nấu nướng cũng đơn giản.

Trải qua 2 năm học tại JJC, em cảm nhận thế nào về môi trường nơi đây?

Em thấy đây là một môi trường mang tính cạnh tranh khá cao do tuyển sinh đầu vào ở các trường Đại học (ĐH) có giới hạn và tính cạnh tranh là đặc thù của tất cả các trường công ở Singapore. Ngoài ra, có một vài thay đổi trong ban lãnh đạo của nhà trường trong năm qua nên việc dạy và học được đề cao hơn bao giờ hết. Một cảm nhận rõ nhất của em về sự thay đổi này là vào thời gian khoảng 2 tháng trước kỳ thi A-Level. Tất cả tài nguyên của trường đều được dành cho HS năm cuối ôn thi. Thư viện được mở cửa từ 8h sáng đến 8h đêm. Giáo viên lập thời khóa biểu riêng để có những buổi trao đổi cá nhân với HS về các vấn đề. Những buổi học thêm, học ôn của giáo viên, tài liệu ôn tập được tăng cường rõ rệt.

Cách dạy & học tại Singapore có gì khác biệt so với VN. Theo em có thể áp dụng cách học “cuốn chiếu” hay một số cách học khác mà các các bạn VN hay áp dụng vào các kỳ kiểm tra khi học tại Singapore không?

Đối với bản thân em, cách dạy và học ở Sing đã giúp em phát triển tối đa khả năng tiếp thu và tự học. Nền giáo dục ở Singapore khác chúng ta ở nhiều điểm. Thứ nhất, yêu cầu của các kỳ thi thay đổi hàng năm và tùy theo sự thay đổi của xã hội và nền kinh tế. Hơn nữa, yêu cầu này được đặt ra rất rõ ràng qua việc công bố điểm chuẩn của từng ngành của 3 trường ĐH công lập trước kỳ thi. Thứ hai, mối quan hệ tương tác giữa giáo viên, nhà trường và HS được củng cố bởi lịch làm việc hợp lý, giúp cho HS có thời gian và cơ hội tiếp cận với giáo viên để trao đổi những vấn đề vướng mắc. Điểm khác nhau lớn nhất là chương trình giáo dục của Singapore không nhấn mạnh ở việc đưa kiến thức vào con người mà thay đổi con người để tiếp nhận kiến thức. Đối với em, đó là 1 chuyến du hành vào bên trong bản thân, tìm ra những gì mình còn thiếu sót; tìm ra ham muốn và định hướng; và quan trọng hơn là tìm ra cách mình nhìn nhận một vấn đề và tại sao mình lại nhìn nhận như thế. Qua những kỳ kiểm tra, sự tương tác với giáo viên và việc va chạm với các vấn đề, những mảng tối và sáng sẽ hiện lên rõ rệt, giúp cho bức tranh về bản thân được hoàn thiện. Do đó, sau 2 năm, điều em biết rõ nhất không phải là những kiến thức khoa học, cũng không phải là kinh nghiệm học thi mà chính là bản thân mình.

Sẽ rất khó cho “chiếu” và “tủ” để áp dụng ở Singapore vì yêu cầu của kỳ thi thay đổi hàng năm. Bên cạnh đó, vì tính ứng dụng là yêu cầu hàng đầu trong chương trình A-Level, việc chỉ học một cách mù mờ sẽ không giúp các bạn trả lời những câu hỏi ứng dụng một chút nào hết.

Các em có phải học thêm như ở VN không? Nếu có, ai là người dạy thêm: giáo viên trong trường hay trung tâm bên ngoài?

Học thêm không phổ biến ở Singapore và thường thì HS không “phải” đi học thêm. Theo em thấy thì việc học thêm ở Singapore là không quá cần thiết. Như đã nói ở trên, nhà trường luôn dành hết tài nguyên cho HS năm cuối, nhất là giai đoạn khi chuẩn bị ôn thi. Do đó, HS nên tận dụng hết thời gian với giáo viên: làm bài tập và giải đáp những vấn đề khúc mắc với giáo viên. Bên cạnh đó, số lượng đề thi thử cũng như đề kiểm tra của các trường khác cũng được phát rất đầy đủ. Với sự hỗ trợ toàn diện cả về kiến thức lẫn tinh thần như thế, em nghĩ học thêm là không quá cần thiết.

Tất nhiên, đối với những bạn có nhu cầu hoặc cần sự trợ giúp thêm, học thêm là một lựa chọn hữu ích. Sẽ có những trung tâm bên ngoài cho việc học thêm và người dạy cũng là những giáo viên từ các trường khác.

Theo em thì các môn học trong chương trình A-Levels, môn nào là khó “nhai” nhất đối với HS quốc tế nói chung & HS Việt Nam nói riêng? Em có thể đưa ra một số lời khuyên cho các bạn muốn đi học tại JJC không?

Em tin rằng hầu hết HS quốc tế đều thấy phần General Paper (GP – Viết luận tổng hợp) là môn khó nhất. Yêu cầu của nó là khả năng đọc và trả lời câu hỏi dựa trên kiến thức của bản thân về các vấn đề xã hội cũng như đưa ra ý kiến riêng của mình. Vì vậy, GP đòi hỏi học sinh phải có một vốn từ nhất định, khả năng đọc hiểu cao cũng như hiểu biết về xã hội. Không chỉ riêng HS quốc tế mà HS bản địa cũng gặp rất nhiều khó khăn trong môn này. Nguyên nhân chính là cũng như chúng ta, họ không sử dụng tiếng Anh theo cách thuần túy và nguyên bản như người Anh và người Mỹ. Vốn từ của HS quốc tế thường rất giới hạn, do vậy, làm quen với 1 bài đọc 800 từ là một khó khăn rất lớn, chưa kể đến việc đọc hiểu và đưa ra ý kiến của mình về nó. Với năng lực thiên về các môn tự nhiên, HS Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn với một môn xã hội như GP. Rất may là tuy mang tính bắt buộc nhưng GP chỉ là môn H1 và thường thì yêu cầu của các trường ĐH cho GP chỉ dừng lại ở điểm C (cho các ngành liên quan đến tự nhiên như Kỹ sư, Kế toán…).

Lời khuyên duy nhất là các bạn hãy tập làm quen với tiếng Anh dùng trong các bài luận và những bài nghiên cứu – Academic English. Luyện tập đọc những bài báo, tạp chí, phóng sự, nghiên cứu, bài phát biểu và ngay cả văn chương để tăng cường khả năng đọc/hiểu cũng như các kiến thức xã hội.

HS Việt Nam học chương trình A-Level tại JJC thường chọn môn học H1 và H2 nào?

Những môn học phổ biến nhất là: Toán, Lý, Hóa cho H2 và Kinh tế cho H1. Đơn giản là vì HS Việt Nam rất giỏi các môn tự nhiên và ưa thích những ngành nghề liên quan đến lĩnh vực tự nhiên nhiều hơn.

Đã trải qua kỳ thi cuối khóa A-Levels, em hãy chia sẻ một số kinh nghiệm để ôn thi như thế nào là tốt nhất?

Các bạn hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần thép vì chỉ riêng kỳ thi đã kéo dài khoảng 1 tháng. Nhưng giai đoạn chịu áp lực nhiều nhất là sau khi thi thử và 2 tháng sau đó. Tính cạnh tranh của A-Level càng ngày càng cao và dĩ nhiên đề thi sẽ càng ngày càng khó. Do đó, chỉ có luyện tập nhiều mới có thể giúp bạn hoàn thiện các kỹ năng của mình. Hãy làm nhiều nhất có thể và quan trọng hơn, hãy học nhiều nhất có thể từ những gì mình đã làm, từ những lỗi sai mà mình phạm phải. A-Level rất toàn diện và do đó, sẽ không có 1 topic nào bị bỏ qua. Bạn phải nhớ rằng, tất cả sẽ được đề cập đến trong bài thi, vấn đề là nhiều hay ít mà thôi. Lập một thời khóa biểu dài khoảng 1 tháng cho tất cả những topic của tất cả các môn mà bạn sẽ ôn lại. Tất nhiên, nhà trường sẽ nhắc nhở và hướng dẫn bạn về thời gian. Sau đó, 1 tháng trước kỳ thi là thời gian làm các đề những năm trước và của các trường khác. Tận dụng những cuộc hẹn với giáo viên để tìm hiểu vấn đề mình mắc phải và sửa chữa nó. Đừng bao giờ nghĩ như thế là đủ. Cuối cùng, thay vì chạy đua với thời gian và đề thi, đôi lúc hãy dừng lại và hỏi bản thân: Tại sao mình làm sai?

Nếu kết quả các môn học đạt điểm không cao (điểm D chẳng hạn) trong kỳ thi A-Level và không thể nộp đơn vào các trường ĐH công lập danh tiếng, HS muốn thi lại vào năm sau được không?

Theo quy định của bộ giáo dục Singapore, HS chỉ được lặp lại 1 lần và trong tất cả các môn thi phải có 1 môn được S hoặc U (nghĩa là RỚT). Vì vậy nếu kết quả thi bốn môn là D – D – D – D, bạn sẽ không được lặp lại và hầu như không có khả năng được nhận vào ba trường ĐH công lập. Con đường duy nhất bây giờ là đăng kí học một trường Polytechnic (Cao đẳng) trong 3 năm và kiếm “chiếc vé” vào 3 năm tiếp theo ở ĐH hoặc có thể đi du học ở nước khác.

Nhóm liên quan: ,