Nhiều cơ hội du học Nhật Bản

Số lượng du học sinh quốc tế đang học tập tại Nhật Bản chỉ khoảng 135.000 người. Trong đó, Việt Nam có 3.500 sinh viên du học ở Nhật (theo ước tính của Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT Việt Nam). Tính kiên cường và kỷ luật của người Nhật đã được khắc họa đậm nét sau thảm họa thiên tai vừa qua càng làm nhiều du học sinh tò mò muốn khám phá văn hóa và chất lượng giáo dục ở xứ sở Mặt trời mọc.

Mục tiêu cụ thể và kế hoạch chu đáo

Tốt nghiệp THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh, Đăng Sinh không nộp hồ sơ du học ở Anh, Mỹ… như nhiều học sinh khác, mà âm thầm gửi đơn xin học bổng du học Nhật Bản. Kết quả, Đăng Sinh được Trường Ritsumeikan Asia Pacific University cấp học bổng toàn phần cho chuyên ngành về Quản lý giáo dục.

Hồng Anh, từng du học bốn năm đại học ở Canada, tình cờ tham dự hội thảo triển lãm du học Nhật Bản cách đây mấy năm ở TP. Hồ Chí Minh. Chị xin phỏng vấn thử, nào ngờ đậu thiệt. Một trường đại học ở vùng Kinki đã cấp học bổng cao học cho chị. Ban đầu, Hồng Anh hơi thất vọng vì trường của mình nằm ở khu vực không sầm uất như Tokyo hay có nét cổ kính của Kyoto.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường thì không chê vào đâu được, từ thư viện, phòng máy tính, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm đến ký túc xá, nhà ăn, nhà tập thể dục, bể bơi, sân bóng… đều hiện đại và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và thư giãn của sinh viên. Sau hai năm học ở Nhật Bản, trở về Việt Nam, Hồng Anh được một ngân hàng nước ngoài tuyển dụng với mức lương “như mơ” hơn 60 triệu đồng/tháng.

Du học xứ sở Mặt trời mọc tuy không rầm rộ như các nước Âu – Mỹ nhưng hiện đã được nhiều học sinh – sinh viên Việt Nam chọn lựa là điểm đến lý tưởng.

Các trường đại học Nhật Bản luôn đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu, bằng chứng là những trung tâm nghiên cứu này đã đào tạo ra rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc, trong đó có những giáo sư Nhật đoạt giải Nobel về Văn học, Y học, Vật lý, Hóa học. Môi trường làm việc, thực tập lý tưởng tại những tập đoàn nổi tiếng toàn cầu Toyota (ôtô), Sony, Panasonic (điện tử) v.v… như “nam châm” hút du học sinh quốc tế theo học.

“Tuy số lượng du học sinh quốc tế ở Nhật Bản đã nhiều hơn xưa, việc xin học bổng cũng không còn dễ nhưng tôi thấy cơ hội nhận học bổng ở Nhật không phải quá khó” – Ngọc Nga, du học sinh Nhật cho biết. Cô kể kinh nghiệm tìm học bổng của mình: “Trước tiên, các bạn cần tìm hiểu thông tin về du học Nhật, cấp phát học bổng từ các trường đại học, đại sứ quán Nhật, bạn bè; sau đó lập một danh sách những học bổng mà mình thỏa mãn điều kiện dự tuyển. Những học bổng có giá trị cao, đối tượng tuyển rộng rãi (không giới hạn quốc tịch, ngành nghề chẳng hạn) rất khó xin. Tôi nghiệm ra rằng, ngoài thành tích học tập tốt, việc chuẩn bị bộ hồ sơ chu đáo góp phần quyết định bạn xin học bổng có thành công không”.

Bộ hồ sơ của Ngọc Nga gồm học bạ, giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp thành phố, kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch học tập… Từ thời điểm nộp đơn xin học bổng đến thời điểm được chấp thuận là một khoảng thời gian khá dài, nên các bạn cũng cần theo dõi xem hồ sơ của mình đã “đi” đến đâu. Qua internet, các bạn có thể thu thập được bất cứ thông tin gì về du học Nhật Bản. Hãy thu thập, tìm hiểu kỹ lưỡng, đề ra một mục tiêu cụ thể và một kế hoạch du học thật chu đáo sẽ giúp bạn thành công.

Sáu đối tượng nhận học bổng

Cũng giống như các quốc gia khác, du học sinh theo học tại Nhật Bản bằng hai con đường: học bổng và tự túc.

Nếu nhận học bổng, du học sinh sẽ được Chính phủ Nhật Bản chi trả phí sinh hoạt, học phí, vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam sang Nhật Bản. Ở Việt Nam, học bổng được nhiều người biết là học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS). Đây là chương trình được thực hiện theo nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA) của Chính phủ Nhật Bản cho các ngành: Luật, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghệ thông tin, Chính sách môi trường. Điều kiện để nộp đơn là tốt nghiệp đại học, có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan của nhà nước hoặc tư nhân, tuổi dưới 35.

Hầu hết bậc đại học và sau đại học của Nhật Bản được giảng dạy bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên có một số trường đại học mở một số khóa đào tạo sau đại học bằng tiếng Anh. Xin tham khảo trang web của Cơ quan Hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản (JASSO) để biết danh sách các trường đại học có giảng dạy bằng tiếng Anh:

(http://www.jasso.go.jp/study_j/schinfo_e.html)

Du học bằng học bổng của Chính phủ Nhật Bản dành cho sáu đối tượng:

  • Nghiên cứu sinh sau đại học: dành cho những ứng viên dưới 35 tuổi, đã tốt nghiệp đại học hoặc sẽ tốt nghiệp đại học đang nghiên cứu tại lĩnh vực có liên quan đến chuyên ngành đã học tại trường đại học. Thông thường, du học sinh sau khi đến Nhật phải tham gia một khóa tiếng Nhật sáu tháng trước khi nhập học chính thức. Thời gian học hai năm, trong thời gian học, du học sinh có nhu cầu lấy học vị thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì du học sinh sẽ phải qua một kỳ thi và nếu đạt yêu cầu, du học sinh có thể xin kéo dài thời gian nhận học bổng của mình. Học bổng một tháng khoảng 180.000 yen (khoảng gần 1.700 USD).
  • Thực tập sinh giáo viên: là những người đã tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp các trường đào tạo giáo viên, hiện đang là giáo viên bậc phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học), có trên năm năm kinh nghiệm giảng dạy. Giảng viên đại học không phải là đối tượng của chương trình này. Học bổng một tháng khoảng 180.000 yen (khoảng gần 1.700 USD).
  • Du học sinh đại học: là những sinh viên có tuổi từ 17 đến dưới 22, đã hoàn thành chương trình học phổ thông 12 năm. Sau khi đến Nhật, du học sinh sẽ được học một khóa tiếng Nhật một năm, sau đó sẽ vào học chính thức bốn năm tại các khoa của các trường đại học Nhật Bản. Học bổng một tháng khoảng 140.000 yen (khoảng gần 1.300 USD).
  • Thực tập sinh tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản: là những sinh viên đang theo học những lĩnh vực có liên quan đến tiếng Nhật hoặc văn hóa Nhật Bản có tuổi từ 18 đến dưới 30, tại các trường đại học Việt Nam. Thời gian học tại Nhật Bản là một năm. Sau khi kết thúc khóa học, du học sinh sẽ về nước, tiếp tục chương trình học đại học. Học bổng một tháng khoảng 140.000 yen (khoảng gần 1.300 USD).
  • Du học sinh cao đẳng: là các sinh viên đã tốt nghiệp phổ thông trung học, dưới 22 tuổi. Sau khi tới Nhật, du học sinh sẽ tham dự một khóa tiếng Nhật một năm, sau đó sẽ vào học tại các trường cao đẳng chủ yếu đào tạo về kỹ thuật. Thời gian học tổng cộng là bốn năm. Học bổng một tháng khoảng 140.000 yen (khoảng gần 1.300 USD).
  • Du học sinh trung học chuyên nghiệp: dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp phổ thông trung học, dưới 22 tuổi. Sau khi học tiếng Nhật một năm, du học sinh sẽ vào học tại các trường trung học chuyên nghiệp chủ yếu đào tạo nghề nghiệp, kỹ thuật mang tính ứng dụng thực tế như thiết kế trang phục, làm phim hoạt hình, nấu ăn,… Thời gian học tổng cộng là ba năm. Học bổng một tháng khoảng 140.000 yen (khoảng gần 1.300 USD).

Để được nhận các học bổng trên, du học sinh phải thông qua sự tiến cử Đại sứ quán Nhật Bản. Tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT lựa chọn ứng viên sau đó Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tiến hành xét tuyển. Các trường tiếp nhận du học sinh tại Nhật Bản cũng có thể sẽ trực tiếp tiến cử du học sinh đó lên Bộ Khoa học và Giáo dục Nhật Bản để xin học bổng Chính phủ Nhật Bản.

Những du học sinh đang du học tự túc tại các trường đại học Nhật Bản cũng có thể nhận học bổng, nhờ sự tiến cử của trường đại học mà du học sinh đang học. Chương trình này được áp dụng cho mọi trường đại học quốc lập, công lập và dân lập trên toàn Nhật Bản, trừ các trường đại học ngắn hạn.

Các trường đại học sẽ căn cứ vào kết quả học tập và hoạt động xã hội của du học sinh để tiến cử lên Bộ Khoa học và Giáo dục Nhật Bản vào tháng 1 hằng năm. Nếu du học sinh được chấp thuận, sẽ bắt đầu nhận học bổng Chính phủ Nhật Bản từ tháng 4 năm đó.

Ngoài học bổng của chính phủ còn có chương trình Hỗ trợ Tài chính dành cho du học sinh tự túc của Trường Đại học Liên Hiệp Quốc (United Nations University). Trường Đại học Liên Hiệp Quốc được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), thực hiện Chương trình Hỗ trợ Tài chính dành cho du học sinh tự túc bằng việc cho du học sinh vay tiền.

Đối tượng áp dụng là những du học sinh đến từ những nước đang phát triển, hiện đang học tại những trường đại học có tham gia chương trình này. Những du học sinh nhận sự hỗ trợ này trong thời gian học tập tại trường phải hoàn trả dần hằng tháng theo kế hoạch hoàn trả. Với số tiền hoàn trả này, Trường Đại học Liên Hiệp Quốc lại tiếp tục cho những sinh viên khác vay (tham khảo tại trang web: http://www.fap.hq.unu.edu ).

Nhóm liên quan: ,