Việc làm tại Hàn Quốc

Cơ cấu việc làm của Hàn Quốc có nhiều thay đổi đáng kể từ khi bắt đầu công nghiệp hóa đầu thập niên 1960. Vào năm 1963, số người lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 63% lực lượng lao động. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 7,2% vào năm 2008. Ngược lại, lao động trong khu vực dịch vụ gia tăng, chiếm từ 28,3% tổng số dân lao động vào năm 1963 đến 75,4% vào năm 2008.

Trong nửa sau của thập niên 1970, thị trường lao động Hàn Quốc có hàng loạt thay đổi quan trọng. Hàn Quốc nổi lên thành một quốc gia đáng nể trên thị trường quốc tế với những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân công như dệt may và giày dép. Trong những năm 1970 và 1980, Chính phủ quan tâm tạo nguồn lao động và phát triển đào tạo để theo kịp tăng trưởng kinh tế. Đào tạo một lực lượng lao động có kỹ năng và mở nhiều dịch vụ cung cấp việc làm cho công nhân tay nghề chưa cao là các chính sách chủ đạo để giảm nhẹ sự nhức nhối do thiếu lao động trong quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, từ nửa cuối của thập niên 1980, sự chú trọng phát triển số lượng như vậy đe dọa dẫn đến mất bình đẳng giữa các tầng lớp và giữa các vùng. Vì thế các chính sách chuyển sang chú trọng đẩy mạnh phúc lợi xã hội và nâng cao bình đẳng xã hội, và dẫn đến sự ra đời của Đạo Luật Lương Tối Thiểu (1986), Đạo Luật Tuyển dụng Bình đẳng (1987) và Đạo Luật về Thúc đẩy Tuyển dụng và Đào tạo Nghề cho Người Khuyết tật (1990) cùng với nhiều biện pháp khác.

Vào đầu những năm 1990, nhằm tháo gỡ một cách có hệ thống các vấn đề của nạn thất nghiệp do sự thoái trào tăng trưởng kinh tế, chính phủ đã đưa thông qua vài bộ luật lớn, trong đó có Đạo Luật Bảo hiểm Lao động (1993), Đạo Luật Chính sách Tuyển dụng Cơ bản (1995) và Đạo Luật Phát triển Đào tạo Nghề (1997), làm nền tảng cho nhiều chính sách tuyển dụng khác.

Vào tháng 10 năm 1999, chính phủ cũng tăng cường mạng lưới an sinh xã hội (social safety net) để chống lại nạn thất nghiệp bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm lao động ra để bao gồm tất cả người dân lao động, trong đó có cả những người làm việc bán thời gian hay làm việc tạm thời.

Các gói Kế hoạch Hành động Cá nhân (IAPs) cho người nhận trợ cấp thất nghiệp cũng được mở rộng để bao gồm cả người già và trẻ để góp phần khuyến khích họ chủ động tích cực tìm kiếm công việc hơn.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực cả đời ngày càng cao, chính phủ Hàn Quốc dần mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề. Để đối phó với xu hướng hạn chế sinh đẻ và dân số lao động đang ngày một già hơn, nhiều biện pháp khác nhau cũng được thực hiện nhằm tăng tỷ lệ việc làm cho phụ nữ. Trong số đó có những biện pháp giảm thiểu phân biệt giới tính trong tuyển dụng và hỗ trợ dàn xếp giữa công việc và việc nhà cũng như giải quyết vấn đề gián đoạn việc làm khi nghỉ sinh con. Một loạt các biện pháp khác thì được áp dụng để mở rộng và ổn định hóa vấn đề việc làm dành cho người già, ví dụ như tăng tuổi nghỉ hưu, cải cách hệ thống tiền lương, và làm giảm định kiến cũng như hiện tượng phân biệt đối xử về tuổi tác.

Theo hanquocngaynay.com