Ielts là bài thi đánh giá khả năng tiếng Anh của bạn một cách toàn diện nhất. Hầu hết khi đi du học bạn sẽ đều phải đạt được chứng chỉ Ielts ở một mức điểm nào đó. Dưới đây là những chia sẻ kinh nghiệm luyện thi Ielts của những người đi trước.
1. Kỹ năng nghe:
Các bạn nên chú ý kỹ tới cách viết xuống câu trả lời vì có thể các bạn nghe đúng thông tin nhưng viết xuống lại không đúng hoặc thiếu. Khi các bạn đến nghe briefing hay giới thiệu về IELTS, các thầy bên Hội đồng Anh có hướng dẫn các kỹ năng ghi câu trả lời, các bạn nên chú ý vào phần đó (Trần Thiên Trang, nhân viên Lãnh sự quán Úc, IELTS 8.0, điểm nghe 8.5).
Quy tắc quan trọng nhất là phải cố đọc trước câu hỏi và cố hình dung câu trả lời như thế nào trước khi máy bắt đầu đọc. Trước mỗi phần bài nghe đều có thời gian cho ta đọc trước câu hỏi, có thể là hơi ít nhưng nếu ta sử dụng tốt thời gian này, bài nghe sẽ dễ dàng hơn nhiều. Và khi đã không nghe được câu nào thì hãy đánh đại ngay hoặc bỏ qua để tập trung cho câu khác, nếu cứ loay hoay ở một câu thì “hiệu ứng domino” sẽ xảy ra, ta sẽ bị mất rất nhiều điểm vì bỏ lỡ những câu sau (Bùi Thành Nhân, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, IELTS 8.5, điểm nghe 9).
2. Kỹ năng đọc:
Đọc lướt qua và nắm ý chính của bài, sau đó nhìn vào câu hỏi. Những câu hỏi trong bài reading sẽ được chia thành từng cụm với mỗi cụm là một kiểu câu hỏi khác nhau (điền vào chỗ trống, đúng/sai/không biết…). Hãy chú ý là trong mỗi cụm thì các câu hỏi đều được sắp xếp theo thứ tự đúng như trong văn bản, nên nếu ta biết vị trí thông tin cần để trả lời câu 1 thì nếu đọc tiếp xuống dưới sẽ lần lượt thấy thông tin để trả lời cho các câu 2, 3, 4…
Vì vậy hãy gạch dưới những “từ khóa” (là những từ mang ý chính) của câu hỏi rồi tìm trong bài những từ đó (có thể có từ giống hệt, hoặc là từ khác nhưng cùng nghĩa). Như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian (Bùi Thành Nhân, IELTS 8.5, điểm đọc 9).
Mình đọc liên tục và đọc bất kỳ bài báo/đọc tiếng Anh nào mình bắt gặp. Mục đích là để tăng tốc độ đọc và khả năng hiểu ý chung của bài đọc. Một khi tốc độ đọc được cải thiện, các bạn sẽ thấy thoải mái hơn trong khi đọc và đoán những chữ khó. Trong quá trình thi, nếu có chữ nào (nhất là keyword) mà mình không hiểu, mình sẽ xem chữ đó mang nghĩa X nào đó và đọc tiếp (Thiên Trang, IELTS 8.0, điểm đọc 9).
3. Kỹ năng viết và nói:
Hai kỹ năng này có liên quan với nhau vì cần nhất là phải luyện viết và nói những câu đúng ngữ pháp. Trong phần thi viết, cần nhất là phải chú ý đến thời gian để có thể hoàn tất cả hai Task. Mình bắt đầu với Task 2 vì phần này nhiều điểm hơn. Về phần luyện nói, mình đọc khá nhiều sách để có thêm kiến thức và tự mình nói lại những kiến thức đó theo cách hiểu của mình (Thiên Trang, IELTS 8.0).
Ở phần thi viết, quan trọng nhất là phân bố thời gian hợp lý, thời gian cho phép là 60 phút nhưng mình phải dành thời gian để đọc lại và sửa lỗi ngữ pháp, chính tả, do đó nên làm trong vòng khoảng 50 phút thôi. Khi viết thì mình nên dùng cấu trúc và vốn từ đa dạng, đừng dùng những cấu trúc quá đơn giản, lặp đi lặp lại vì như vậy sẽ không được điểm cao (Mỹ Linh, sinh viên Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM, IELTS 8.0).
Ở phần thi nói, mình cần phải tự tin vào bản thân và luôn tươi cười. Tuy cách nói chuyện và tác phong nói chuyện không nằm trong tiêu chí chấm điểm của Band Scale, nhưng phong thái tự tin và nụ cười sẽ làm cho không khí thi bớt phần căng thẳng và giúp đầu óc mình thoải mái hơn rất nhiều.
Hơn nữa, giáo viên họ cũng là người bình thường thôi. Mà đã là người bình thường thì ai chẳng thích một thí sinh tự tin, năng động và thân thiện. Điều quan trọng của phần thi nói là mình phải kéo dài các câu trả lời, đừng nên trả lời cộc lốc.
Ví dụ: Thay vì nói “I live in a big house with my parents” thì hãy nói là “I live in a gorgeous renaissance mansion nestled deep in the windy pine hills and the green meadows of the beautiful plateau of Dalat with my mom and dad”.
Hãy dùng những từ vựng khó và những cấu trúc văn phạm phức tạp trong phần thi này vì đây chính là thời điểm thích hợp để mình “khoe khoang” trình độ tiếng Anh của bản thân (Minh Dũng, sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, IELTS 8.0).