Danh sách các nước có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất

Được thành lập vào năm 1997, Universitas 21 là mạng lưới quốc tế gồm 23 trường ĐH có nhiều nghiên cứu khoa học tại 14 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Úc.Universitas 21 lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống giáo dục ĐH tốt nhất.

Mỹ là nước có hệ thống giáo dục ĐH tốt nhất thế giới – Ảnh: Reuters

Các tiêu chí xếp hạng

Để có bảng xếp hạng trên, ĐH Melbourne (Úc) thuộc Universitas 21 , mạng lưới 23 trường ĐH có nhiều nghiên cứu trên thế giới, phân tích các dữ liệu gần đây của 48 quốc gia, vùng lãnh thổ dựa trên 20 tiêu chí. Những tiêu chí này được chia làm 4 nhóm: nguồn đầu tư (từ chính phủ và tư nhân); đầu ra (nghiên cứu khoa học và tác động của nó, việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động); kết nối (với mạng lưới ĐH quốc tế); môi trường (chính sách, sự điều hành của chính phủ, sự đa dạng và cơ hội để người dân tham gia học tập). Yếu tố dân số cũng được xem xét để đánh giá, xếp hạng.

Theo đó, 10 nước có hệ thống giáo dục ĐH tốt nhất trong 48 nước và vùng lãnh thổ nói trên lần lượt là: Mỹ, Thụy Điển, Canada, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Na Uy, Úc, Hà Lan và Anh. Một số nước, vùng lãnh thổ ở châu Á có mặt trong bảng xếp hạng này là: Singapore (vị trí 11), Nhật Bản (20), Đài Loan (21), Hàn Quốc (22), Malaysia (36), Trung Quốc (39), Thái Lan (41) và Indonesia (47).

Tuy nhiên, nếu xét theo từng nhóm thì Mỹ không phải lúc nào cũng đứng đầu trong 48 nước, vùng lãnh thổ nói trên. Chẳng hạn, những nước có mức đầu tư của chính phủ cho giáo dục ĐH chiếm GDP cao nhất lần lượt là Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch. Tuy nhiên, nếu gộp cả phần đầu tư tư nhân, vị trí cao nhất lại thuộc về Mỹ, kế đến là Hàn Quốc, Canada và Chile. Những nước đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu khoa học là Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Nhóm các nước có những nghiên cứu khoa học tạo ảnh hưởng nhiều nhất lần lượt là Thụy Sĩ, Hà Lan, Mỹ, Anh và Đan Mạch. Các nước có tỷ lệ người tham gia giáo dục ĐH cao nhất là Hàn Quốc, Phần Lan, Hy Lạp, Mỹ, Canada và Slovenia. Nhóm nước, vùng lãnh thổ có nhân lực trình độ ĐH chiếm nhiều nhất trong lực lượng lao động gồm Nga, Canada, Israel, Mỹ, Ukraine, Đài Loan và Úc. Những nước có tỷ lệ sinh viên quốc tế/tổng số sinh viên cao nhất là Úc, Singapore, Áo, Anh và Thụy Sĩ. Trong khi đó, những nước có sự phối hợp nghiên cứu quốc tế nổi bật nhất lại là Indonesia, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Bỉ và Áo.

Giúp hoạch định chính sách giáo dục

Đánh giá về ảnh hưởng của bảng xếp hạng mới, Universitas 21 nhấn mạnh trong thông cáo của mình: “Nhằm đề cao tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường vững mạnh cho các cơ sở giáo dục ĐH đóng góp vào phát triển kinh tế và văn hóa, cung cấp chương trình chất lượng cao cho sinh viên cũng như hỗ trợ các viện, ĐH thu hút sinh viên quốc tế”. Trên trang tin www.universityworldnews.com , Giáo sư Ross Williams – người đứng đầu cuộc nghiên cứu bảng xếp hạng Universitas 21 – cho rằng hiện có một số bảng xếp hạng toàn cầu giáo dục ĐH được đánh giá cao nhưng không phản ảnh hết hệ thống giáo dục ĐH của một quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, bảng xếp hạng Universitas 21 sẽ hỗ trợ các chính phủ trong việc hoạch định những chính sách liên quan đến giáo dục ĐH.

Thông tin chi tiết về bảng xếp hạng mới của Universitas 21 được đăng tại http://www.universitas21.com/collaboration/details/48/u21-rankings-of-national-higher-education-systems .

Mục tiêu của Universitas 21

Universitas 21 có tổng ngân sách trên 25 tỉ USD và thu nhập hằng năm từ các công trình nghiên cứu khoa học hơn 4 tỉ USD. Mục tiêu của Universitas 21 là thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên và trở thành nhóm dẫn đầu thế giới trong việc quốc tế hóa giáo dục ĐH thông qua nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng giáo dục ĐH toàn cầu.

Nhóm liên quan: