Canada có 10 bang và ba vùng lãnh thổ, giáo dục nằm dưới sự quản lý của từng bang. Là đất nước có hai ngôn ngữ chính thức, tiếng Anh và tiếng Pháp, nên Canada có nhiều chương trình Anh văn ngôn ngữ thứ hai (ESL) và Pháp văn ngôn ngữ thứ hai (FSL) chất lượng cao dành cho học viên nào muốn theo học một hoặc cả hai ngôn ngữ.
Tuy Canada chưa phải là “điểm nóng” được du học sinh Việt lựa chọn, số lượng du học sinh (trên 3.500 người) chưa được Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT xếp vào tám nước có nhiều du học sinh Việt đến học nhất, nhưng chất lượng giáo dục của Canada thì đã được tin tưởng trên toàn thế giới. Không chỉ chất lượng đào tạo chuẩn, đội ngũ giảng viên giàu chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại, tại Canada chính phủ còn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh sau khi tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học có thể ở lại Canada làm việc trong ba năm.
Theo Trung tâm Giáo dục Canada tại Việt Nam (CEC), năm học thường bắt đầu từ tháng 9 cho tới tháng 6 năm sau nhưng trong một vài trường hợp, tháng 1 cũng có thể là ngày nhập học. Các trường trung học lên đến lớp 11, 12 hoặc 13 tùy theo tỉnh. Bậc trung học không đòi hỏi văn bằng Anh văn đối với du học sinh, nhưng giỏi tiếng Anh sẽ là một lợi thế, vì khi sang Canada, các em sẽ tham dự buổi kiểm tra Toán và Anh văn để phân loại trình độ và xếp lớp. Sau khi kết thúc trung học, học sinh có thể theo học đại học, cao đẳng hay cao đẳng nghề.
Các cơ sở giáo dục không được chính thức xếp hạng, vì tất cả các cơ sở giáo dục Canada đều có các chương trình đào tạo đạt chất lượng cao. Du học sinh đăng ký học bậc đại học, cao đẳng và sau đại học bắt buộc phải có bằng Anh văn quốc tế là TOEFL hoặc IELTS, tùy vào mỗi trường sẽ có những yêu cầu cụ thể về số điểm. Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh không thể thi lấy bằng Anh văn tại Việt Nam thì cũng có thể sang Canada tham dự khóa tiếng Anh (ESL) một năm, sau đó mới vào học khóa chính thức tại trường. “Khi chọn trường học của bạn ở Canada, hãy xem xét loại trường, cỡ trường và vị trí của trường.
Nếu bạn quan tâm vào một ngành học đặc biệt nào đó, bạn hãy kiểm tra xem trường nào có nhiều ưu điểm hơn trong ngành học đó”, đại diện CEC khuyên. Học phí ở Canada không quá đắt đỏ, bậc trung học khoảng 10 ngàn CAD/năm học, cao đẳng: 11-12 ngàn CAD/năm, đại học: 13-18 ngàn CAD/năm (1 CAD = 20.550 đồng).
Ngoài học phí, du học sinh cần phải chuẩn bị sinh hoạt phí khoảng 10.000 CAD/năm tùy thuộc vào từng vùng và điều kiện sinh hoạt của học sinh. Theo CEC, nếu so sánh với nước láng giềng Hoa Kỳ, học phí các trường đại học công lập tại Hoa Kỳ cao hơn 1/3 so với học phí đại học Canada; ở hệ tư thục, học phí đại học cao hơn gấp đôi.
Nếu quyết tâm chọn du học tại Canada, bên cạnh những ưu điểm như phân tích ở trên, các du học sinh cũng chuẩn bị trước những khó khăn sau đây. Nếu như sắc trời sang thu đẹp tuyệt vời với màu vàng của lá thì với mùa đông tuyết trắng, nhiệt độ có thể giảm xuống -25 o C, trong khi nhiệt độ mùa hè có thể lên hơn 35 o C. Một phụ huynh từng kiện công ty du học vì đã đưa con em họ đến bang Manitoba quá lạnh, trong khi yêu cầu của gia đình là chọn vùng có khí hậu tương đối dễ chịu cho du học sinh. Mặt khác, môi trường sống hiền hòa, thanh bình có thể là ưu điểm được nhiều người chọn lựa, song đặc điểm này có thể lại “gây buồn chán” đối với người yêu thích cuộc sống sôi động.
Có thể xin học bổng không?
Hồ sơ xin học vào một trường ở Canada không quá phức tạp, du học sinh cần nộp học bạ ba năm học gần nhất, bằng tốt nghiệp, các văn bằng Anh văn hoặc các chứng chỉ hoạt động xã hội, thể thao văn hóa (nếu có). Tùy vào mỗi trường sẽ có những yêu cầu riêng.
Cũng như các quốc gia tiên tiến khác, học bổng đầu vào của các trường Canada rất ít, tính cạnh tranh lại rất cao, chỉ dành cho các sinh viên xuất sắc. Ngoài học bổng ở các trường trung học, còn có một số học bổng của các chương trình ngôn ngữ, học bổng dành cho khóa ngắn hạn và cử nhân đại học, cao đẳng. Bậc sau đại học có nhiều cơ hội xin học bổng hơn, trong đó có chương trình học bổng 322 của Bộ GD-ĐT Việt Nam (tham khảo thêm tại: website: http://www.studycanada.ca/vietnam/scholarships.htm#cd.
Du học sinh thường nhận được học bổng khi đã theo học tại trường một năm (học bổng thành tích). Do vậy, gia đình học sinh phải chủ động tài chính trước khi xin được học bổng. Phụ huynh sẽ phải chứng minh mức thu nhập hằng tháng ổn định là trên 35 triệu đồng/tháng và tài khoản ngân hàng tối thiểu là 25 ngàn USD. Phần các giấy tờ để chứng minh tài chính cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng hoạt động ngành nghề của mỗi gia đình học sinh.
Thông thường, giấy tờ chứng minh gồm có: thư xác nhận chức vụ, việc làm, mức lương của bố mẹ, hoặc những giấy tờ có liên quan để phản ánh thu nhập của gia đình, như giấy tờ xác nhận tiền gửi trong ngân hàng hoặc sổ tiết kiệm (đã gửi từ sáu tháng). Nếu người tài trợ là chủ doanh nghiệp thì phải có biên lai thuế trong sáu tháng vừa qua. Nếu du học sinh có người bảo trợ tài chính cư trú tại Canada, thư bảo lãnh ghi rõ trách nhiệm tài chính, tiền gửi ngân hàng, bản sao khai thuế thu nhập trong hai năm qua, thư xác nhận việc làm…
Bên cạnh những hồ sơ hội đủ điều kiện để du học Canada thì vẫn còn một số hồ sơ bị loại ngay từ vòng sơ khảo. Công ty Tư vấn du học và đào tạo quốc tế Đại Tây Dương – Atlantic phân tích nguyên nhân vì sao học sinh không đậu visa:
1. Trình độ học vấn của du học sinh
Những học sinh có điểm số trong hai năm học gần nhất hầu hết là dưới trung bình hoặc do quá trình học tập trước đây không rõ ràng (đã từng nghỉ học không có lý do chính đáng).
2. Không có kế hoạch học tập rõ ràng
Du học sinh không nêu rõ bản kế hoạch học tập hoặc chương trình học, ngành học và khóa học tại đất nước muốn du học, dẫn đến việc cơ quan xét hồ sơ nghi ngờ mục đích sang du học Canada của mình.
3. Không đủ giấy tờ chứng minh tài chính
Nếu các gia đình có ý định cho con em đi du học dù có chuẩn bị trước về tài chính nhưng không có bằng chứng về giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn tiền này hoặc không thể hiện hết các nguồn thu nhập và tài sản mình có, thì cơ quan xét hồ sơ chưa thấy được sự ổn định trong thu nhập và nguồn tài chính để đảm bảo cho việc du học. Việc chứng minh tài chính hay thu nhập của bố mẹ/ người bảo lãnh phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ổn định và có thể được đối chiếu qua từng tháng hay giai đoạn nhất định.
4. Hồ sơ du học không trung thực
Việc khai báo thông tin gian dối, khai man, không đúng với thực tế, hoặc giấu thông tin ví dụ như người nộp đơn hay người thân trong gia đình từng bị từ chối đi Canada dưới bất kỳ hình thức nào hoặc họ đã từng ở Canada bất hợp pháp… thì có thể xếp vào những “điểm đen” để học sinh không nhận được visa.