Du học Hàn Quốc – ở một góc độ nào đó, nó chẳng hề dễ chịu như những gì chúng mình vẫn thấy trên phim ảnh đâu. Rằng thì là mà, các bạn vẫn thích nghệ sĩ, nhóm nhạc Hàn nổ đĩa, khóc thét lên vì thần tượng. Thế đấy, tớ may mắn có cơ hội du học ở quốc gia được mệnh danh là một trong những con Rồng của Châu Á. Ấy thế, để tớ kể cho các bạn nghe những câu chuyện của riêng mình:
Khí hậu – “kẻ thù” của tớ!
Nói là kẻ thù thì có vẻ kinh khủng quá nhưng thật sự đây là điều đầu tiên thật sự khác biệt mà các bạn phải đối mặt với cuộc sống ở quốc gia mới. Tớ đã thật sự “sốc” với cái rét “-2 độ” lúc mới xuống sân bay KimHae (Busan). Vốn là teen xứ Bắc nên việc chịu lạnh với tớ không mới, thế mà nhiệt độ âm của Hàn Quốc khiến tớ mất đến vài tuần để dần quen.
Xuống sân bay với 3 cái áo, mọi thứ đã trở thành thảm họa khi tớ nằm li bì trên giường cả tuần đầu tiên và cả vài tuần sau đó, mọi thứ sinh hoạt vẫn chỉ xoay quay 4 góc nhà nhỏ. Thế nên là, nếu có ý định thử sức ở đây, hãy nhớ mặc đủ ấm nếu bạn bắt đầu việc học của mình vào mùa xuân.
Hoàng Trung Nam – tác giả bài viết: “Có những câu chuyện về Hàn Quốc thực tế không giống như trong phim.”
Ăn uống á, “thích thì… đừng hỏi”
Người Hàn Quốc ăn uống rất khác Việt Nam. Dù có cùng nguồn gốc văn hóa Á Châu, đây là điều đầu tiên tớ cảm nhận được khi đến đây. Đúng như những gì bạn đã thấy trên phim, Kimchi là 1 món ăn không thể thiếu dù cho bạn đang ăn gì: thịt ba chỉ nướng đến món canh truyền thống. Tất cả những gì bạn ăn (tất nhiên, trừ fastfood) đều có dư vị của Kimchi đấy. Tớ nghĩ, nếu như bạn muốn không phải thường xuyên gặm đồ ăn nhanh, thì nên gắn bó nhiệt tình với món Kim chi này đi!
Đây là món ăn duy nhất mà tớ có thể ăn ở căng-tin. Canh thịt bò cũng là một đặc sản ở đây đó! Giá của nó là 3.500 won.
Một điều thú vị nho nhỏ mà tớ muốn san sẻ, đó là căng – tin ở trường tớ rất rộng và sạch, nó có thể phục vụ liên tục hàng trăm lượt sinh viên. Bữa ăn đầu tiên của tớ ở căng-tin thật là nhớ đời, vì nó kết thúc với 1 cái bụng trống rỗng theo đúng nghĩa của nó! Tớ phải ăn cơm trắng vì không thể nuốt được thức ăn ở đây, mùi vị thức ăn quá khác biệt lúc ở nhà. Sau vài lần rút kinh nghiệm và may mắn được đồng hương giúp đỡ, tớ chọn cho mình món ăn ưa thích của mọi bữa ăn của mình: món canh thịt bò. Món này có hành tây và nấm kim châm, khá đậm đà, nói chung tớ ưng!
Trường tớ nè: Trường đại học Quốc gia ChangWon.
Đi học, nếu tìm được một khu có siêu thị Việt Nam thì thật tuyệt vời, tớ mừng húm khi vồ được một cái như thế gần nơi mình học. Thi thoảng lắm được đổi bữa sang đồ ăn Việt, cái gì cũng đắt vô cùng tận. 1 quả trứng vịt lộn có giá 2000 Won (khoảng 40.000 đồng Việt Nam) cơ đấy.
Một điều về ẩm thực mà tớ vô cùng thích ở đây chính là việc giao đồ ăn nhanh 24/24 giờ. Bất kỳ lúc nào, chỉ cần bạn có cuốn sổ tay nhỏ sẵn giá và giới thiệu các món ăn, thì 20 phút sau bạn cũng có thể chén thỏa thích đồ ăn mình khoái khẩu, với tớ, mỗi lần gọi đồ ăn nhanh là ăn hết cả 1 con gà rán loại nhỏ. Nhắc là thấy thèm liền.
Tác phong đi lại: “Nhanh như chạy”
Người Hàn, khi làm việc thì họ làm nhanh và hiệu quả nhất có thể. Khi có dịp đi chơi (thường là cuối tuần), bạn cũng có thể không nhận ra chính cô giáo dạy mình ở giảng đường, thay sự nghiêm túc bằng cử chỉ thân thiện như những người bạn í.
Con gái Hàn… đi nhanh hơn con trai Việt Nam mới tội nghiệp tớ chứ.
Làm việc nhanh, người Hàn tiết kiệm tối đa thời gian mà họ có. Mỗi lần đi bộ ở trong trường tớ lại thấy hơi tủi thân, vì mang tiếng là 1 đấng nam nhi nhưng nhìn các cô gái bước đi mà có lúc mình theo không nổi. Từ đi đứng đến các thói quen hàng ngày cũng đều nhanh và chính xác đến mức hoàn hảo nhất có thể. Sống xa nhà, lại trong 1 môi trường có tính tự lập cao như vậy, khiến cho tác phong sinh hoạt của tớ cũng thay đổi hẳn: “Chỉ cần đi chậm 1 phút bạn sẽ lỡ đến 30 phút của tiết học vì không kịp xe bus.”
Cực thích xài đồ nội
Người Hàn rất chuộng hàng nội. Từ những đồ nhỏ nhất như cây bút hay những vật dụng như chiếc ô tô, họ đều ưu tiên sử dụng những thứ mà họ có thể tự sản xuất. Ví như ô tô, từ ngày sang đây tớ đếm được đúng 5 chiếc xuất xứ không phải Hàn Quốc.
Một khi đã sang đây, bạn hãy quên đi việc mua sắm ở cửa hàng tạp hóa. Tiêu dùng các đồ vật từ nhỏ đến lớn đều được người dân mua qua các trung tâm thương mại như BigC ở nhà mình. Ví dụ, mua từ mớ rau đến hộp sữa thì bạn đều sẽ đến những nơi như Lotte Mart, hay Home Plus. Không như ở Việt Nam, phải các thành phố lớn mới có được những siêu thị lớn thì ở nơi tớ sống, chỉ là đô thị vệ tinh của Busan nhưng có đến 2 cái Lotte Mart, 1 cái Home Plus và 1 cái E Mart. Và tất cả đều hướng đến một cuộc sống tiện nghi nhất, nhưng lại rẻ nhất cho người dân.
Phương tiện tốt nhất: “…buýt… buýt…buýt”
Ở Việt Nam, chẳng bao giờ tớ đi xe buýt cả, một phần vì có xe máy đi lại, phần vì tớ hãi cảnh chen lấn xô đẩy lắm. Thế nhưng sang đây, xe buýt lại chính là phương tiện di chuyển hoàn hảo nhất, thái độ phục vụ tận tâm nhiệt tình, ý thức của người tham gia giao thông “đỉnh của đỉnh”. “Túm” lại là cho dù có đi vào buổi sáng, thời điểm xe chật ních người, vẫn sảng khoái.
Bến xe bus mà ngày ngày tớ vẫn đi học.
Với tớ sự lựa chọn hoàn hảo nhất chính là đi xe bus đi học. Khi ở Việt Nam tớ không bao giờ đi xe bus, một phần vì có xe máy để đi lại, hơn hết là quá “hãi” trước xe bus ở Việt Nam. Nhưng sang đến đây thì mọi quan niệm xấu về xe bus mà tớ từng biết dường như thay đổi hẳn. Dù cho đi học vào buổi sáng, cái thời điểm mà xe bus chật ních người, nhưng cảm giác khó chịu của tớ cũng không hề xuất hiện, phần vì ý thức của người đi xe, phần là do thái độ phục vụ tận tình của bác lái xe.
Theo ione