Họ là Johnny và George Huỳnh đang sống ở khu ổ chuột Dorchester, bang Massachusetts (vùng ven Boston) của Mỹ. Hai chàng trai này đã chạm tay vào “Giấc mơ Mỹ” khi người anh Johnny, 19 tuổi, đang là sinh viên của trường đại học Massachusetts Amherst (top 40 trường đại học công lập tại Mỹ) trong khi đó người em George, 17 tuổi, vừa được nhận vào Trường đại học Yale danh tiếng.
Nhưng đằng sau thành công đó là cả một câu chuyện xúc động về sự nỗ lực của gắng của hai anh em người Việt này. Mặc dù David Huỳnh, cha của họ đã qua đời sau khi tự tử trong khi người mẹ Bùi Nhung lại bị mắc chứng bệnh tâm thần và trải qua một tuổi thơ “dữ dội” với cuộc sống cơ hàn ở cái nơi đầy rẫy những tệ nạn xã hội, ấy vậy mà hai chàng trai này vẫn luôn là những học sinh, sinh viên dẫn đầu lớp.
Nỗ lực “vượt khó” của hai anh em đã được nhà báo Billy Baker của trang Boston Globe nói tới từ năm 2011. Nhưng đến thời điểm này, sau gần 2 năm kể từ ngày bài báo đó được đăng, khi mà George vừa trở thành sinh viên trường đại học Yale bao người mơ ước thì nhà báo này mới thực sự khiến cộng đồng mạng và các trang báo Mỹ phải “trầm trồ” nói về họ.
Bởi lẽ, có mấy ai được thành công như thế khi phải sống trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Ngay cả đến người mẹ sinh ra mình cũng không thể chia sẻ được điều gì vì bà không nói được tiếng Anh, không thể giao tiếp với chính các con mình và dĩ nhiên không thể tìm được việc làm. Thu nhập hàng tháng của gia đình chỉ dựa vào các khoản trợ cấp xã hội.
Trong khi đó, khu ổ chuột Dorchester nơi gia đình George đang sống lại chìm trong tệ nạn, hầu hết trẻ em không có đầy đủ cha mẹ và không đi học, sa vào nghiện ngập, trộm cắp. Với những con người bình thường và thiếu bản lĩnh có thể trượt ngã bất kỳ lúc nào.
Thế nhưng hai anh em George thật “phi thường” vì khác với những đứa trẻ ở khu ổ chuột này, trong đầu họ luôn ý thức và tâm niệm rằng: “Giáo dục là nền tảng để có cuộc sống tốt hơn” – Johnny nói. Và niềm hy vọng của hai anh em chính là mái trường Boston Latin School, trường công lập đầu tiên và lâu đời nhất vẫn tồn tại ở Mỹ với thành tích học tập xuất sắc, nơi mà họ được nhận vào học.
Để duy trì việc học, cả hai tự mình xoay xở làm tất cả mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ đến học hành trong căn hộ nhỏ xíu của mình, nơi từng là một nhà kho. Mỗi ngày, cả hai thức dậy từ lúc 6 giờ và đón xe buýt đến trường. Cả hai luôn là những học sinh xuất sắc có lẽ vì đó là cách duy nhất giúp các em có thể nhận được các hỗ trợ tài chính để duy trì việc học.
Ngoài giờ học, Johnny và George còn làm gia sư cho các trẻ em người Việt khác trong vùng để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ngày nào cũng trở về lúc tối khuya, rồi thức làm bài đến 2-3 giờ sáng nên việc phải tự mình thức dậy vào lúc 6 giờ sáng mỗi ngày thật sự là một thử thách lớn đối với các chàng trai đang ở độ “tuổi ăn tuổi ngủ” này. Tuy nhiên, khát vọng học tập để thay đổi cuộc đời chưa bao giờ tắt đối với cả hai anh em họ Huỳnh. George tâm sự: “Ước mơ của em là có thể vào một trường đại học tốt, không phải phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng nữa và có thể sống theo cách riêng mà mình mong muốn”.
Chính những nỗ lực và thành tích học tập xuất sắc của hai anh em đã tạo cơ hội cho họ được gặp phóng viên Baker hai năm về trước khi đó Johnny mới 17 và George mới 15. Sau đó, nhà báo này cũng chính là người luôn quan tâm, giúp đỡ và động viên hai anh em cả về mặt vật chất và tinh thần – giống như “người cha” thứ hai của họ vậy.
Billy Baker đã tiết lộ trên trang mạng xã hội Twitter của mình: “Tôi đã khóc khi nhận được tin nhắn của George báo em đã được nhận vào Yale. Và tôi đã đặt một bữa ăn thịnh soạn ở Wahlburgers – chuỗi nhà hàng nổi tiếng ở Boston. Dường như nó xứng đáng cho một đứa trẻ Dorchester xuất sắc ăn mừng với một chiếc bánh burger do chính Wahlberg chuẩn bị.”