Hệ thống giáo dục của nước Pháp được chia ra ba cấp:
- Giáo Dục Bậc Tiểu Học
- Giáo Dục Bậc Trung Học
- Giáo Dục Bậc Đại Học
Nước Pháp cấp ba loại văn bằng và được các nước trong Cộng Đồng Âu Châu công nhận:
- Bằng hành nghề hay bằng cử nhân (License hay License Professionnelle)
- Bằng Thạc Sĩ (Master)
- Tiến Sĩ (Doctorat)
Mặc dù người Pháp có thể lui về thời các hoàng đế Napoleon để tìm lại nguồn gốc của sự phát triển giáo dục, thực sự nền giáo dục hiện đại của Pháp bắt đầu từ thế kỷ 19. Jules Ferry, một luật sư thời ấy, đã giữ chức Bộ Trưởng Giáo Dục trong thập niên 1880 và được cho là cha đẻ của nền giáo dục Pháp hiện đại. Ông đã bắt buộc các trẻ em từ 6 tới 12 tuổi không kể gái hay trai, đều phải đi học. Ông cũng ban hành những biện pháp để biến giáo dục công trở thành định chế của đất nước, miễn phí và không mang tính chất thần quyền. Với những cải cách này và do những bộ luật mới vốn được gọi là những luật Jules Ferry và những điều luật khác, nền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp đã loại bỏ phần lớn những luật Falloux của 1850-1851, vốn cho giới tu sĩ rất nhiều quyền hạn.
Tất cả các chương trình giáo dục ở Pháp đều do Bộ Giáo Dục Quốc Gia điều động và quản lý. Đứng đầu là Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, một trong những bộ trưởng hàng cao cấp nhất trong nội các. Giáo viên và giáo sư trong hệ thống giáo dục Pháp là những công chức. Ngay cả giáo sư đại học và những nhà nghiên cứu cũng được nhà nước thâu nhận và trả lương.
Ở cấp tiểu học và trung học, nhà nước Pháp cho ra một chương trình giáo dục đồng đều cho mọi học sinh, mọi cấp lớp như nhau. Các chương trình giáo dục này được áp dụng cho các trường công lập, bán công hay những cơ sở giáo dục hoàn toàn được cấp ngân sách của nhà nước. Tuy vậy, có tất cả 6 phân bộ chuyên biệt mà các học sinh có thể chọn lựa.
Các trường học khai giảng bắt đầu đầu tháng Chín và bế giảng vào đầu tháng Bảy. Vào tháng Năm, các trường cần nhiều thì giờ để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (Baccalauréat). Ở những phân bộ dành cho lãnh thổ nước ngoài và lãnh thổ Pháp, lịch trình học của trường được ấn định bởi vị lãnh đạo giáo dục khu vực.
Bậc Tiểu Học
Việc học ở nước Pháp là bắt buộc bắt đầu từ 6 tuổi, năm đầu tiên của bậc tiểu học. Nhiều phụ huynh cho con học sớm hơn lúc 3 tuổi và sau đó đưa lên học mẫu giáo trong vùng phụ cận. Nhiều gia đình còn gởi các em som một năm, tức là lúc mới 2 tuổi, mà thực tế là những trường giữ trẻ (day care). Dù vậy khi các em học năm cuối trong trường tiền mẫu giáo này, các em đã được đọc hiểu. Sau những lớp tiền mẫu giáo, các em tiến lên học tiểu học, chính ở năm đầu tiên học này là các em sẽ học những năng khiếu cơ bản về đọc và viết. Cũng giống như đa phần các hệ thống giáo dục khác, các học sinh học tiểu học chỉ có một thầy cô đứng lớp, hay chỉ là hai. Giáo viên này sẽ dạy toàn bộ chương trình cấp lớp cho các em như Pháp Văn, toán, khoa học và khoa học nhân bản…
Các trường công lập không dạy về tôn giáo. Ý niệm dân sự là những điều cần phải có trong nền giáo dục công, vì thế học sinh còn có những lớp về công dân giáo dục về nền Cộng Hòa Pháp, vai trò của đất nước, tổ chức và ba điều quan yếu trong đời sống tinh thần dân tộc Pháp: Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ. Vào năm 2004, chính phủ Pháp ra đạo luật cấm mọi hình tượng tôn giáo ở trường học và những nơi công cộng với dụng ý là để tạo một tinh thần khoan thứ và chấp nhận giữa những sắc dân sống trên nước Pháp.
Bậc Trung Học
Các trường trung học của Pháp được chia ra hai loại trường:
- Trường collège là cấp trung học học 4 năm ngay sau khi rời tiểu học
- Trường lycée, trung học đệ nhị cấp, học thêm 3 năm nữa
Khi hoàn tất học trình sẽ hướng đến lấy bằng baccalauréat.
Bằng tiểu học Brevet (gọi tắt của chữ Brevet des collèges) là bằng chính thức đầu tiên mà học sinh sẽ thi. Nhưng không nhất thiết phải đậu bằng này mới vào được trung học. Để được vào trung học, bắt đầu từ 2007, điểm học bạ của năm thứ ba sẽ được xem xét để học sinh được vào trung học. Những kỳ thi sát hạch cho học sinh là các môn Pháp văn, Lịch Sử, Địa Dư, Công dân giáo dục. Từ 2011, học sinh được sát hạch thêm Lịch Sử của Nghệ Thuật, và một kỳ thi khẩu vấn.
Bằng Trung Học (Baccalauréat). Bằng này học sinh sẽ phải lấy ở cuối năm trung học đệ nhị cấp để được vào đại học. Thường là học sinh thi kỳ thi này năm 18 tuổi nếu trước đó chưa từng bị ở lại lớp.
Kỳ thi Bac (gọi tắt) là một kỳ thi sát hạch ba ban ngành. Ban Khoa Học tập chú vào các ngành khoa học tự nhiên, khoa học vật lý, và toán học. Ban Kinh Tế và Xã Hội tập chú kinh tế học, khoa học xã hội và toán. Ban Văn Chương tập chú vào Pháp Văn, ngoại ngữ, triết học, sử địa và nghệ thuật (tùy lựa chọn). Mặc dầu học sinh thi ba ngành khác nhau, sự chuyên biệt trong bằng cấp không hạn chế quyền lựa chọn ban ngành trên đại học. Ở giáo dục bậc đại học, sinh viên có quyền lựa chọn ban nhiệm ý nào ở đại học thích hợp với sở nguyện của họ.
Ngoài ra còn có những bằng tú tài kỹ thuật và tú tài chuyên môn. Trong khi tú tài kỹ thuật kết hợp huấn luyện thực hành và lý thuyết về ngành nghề để chuẩn bị cho sinh viên lên học cao hơn thì tú tài chuyên môn tập chú vào huấn nghệ và chuẩn bị cho học sinh đi thẳng vào thi trường lao động.
Giáo Dục Bậc Đại Học
Giáo dục bậc đại học được chia ra ba cấp bậc phù hợp với những cấp bậc của các quốc gia Âu Châu khác, để làm dễ dàng cho sự lưu động trong lục địa.
- Bằng Cử Nhân và Cử Nhân Chuyên Môn (License và License Professionnelle)
- Bằng Thạc Sĩ (Master)
- Bằng Tiến Sĩ (Doctorat)
Sinh viên được cấp bằng Cử Nhân sau 6 học kỳ và Thạc sĩ thêm 4 học kỳ. Sinh viên phải đạt được một số tín chỉ nhất định trong yêu cầu để được cấp bằng, ví dụ Cử Nhân là 180 và Thạc Sĩ là thêm 120 nữa. Đại học Pháp có hai loại, một loại thu nhận sinh viên đã có bằng Tú Tài Phổ Thông và hai năm đại học, một loại thu nhận tất cả học sinh có bằng trung học.