Cùng làm quen với Đặng Thanh Thản, cử nhân xuất sắc của Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội và cựu sinh viên ưu tú của trường đại học Central Missouri, Hoa Kỳ một trong những du học sinh Việt tiêu biểu trên đất Mỹ nhé!
Đại học kinh tế – Đại học quốc gia Hà Nội, 2004 – 2008, ngành Quản lý kinh tế thuộc khoa Khoa học Quản lý.
- Bí thư suốt bốn năm liên tục
- Luôn xếp hạng nhì trong lớp và trong top 10 khoa kinh doanh
- Thành viên sáng lập câu lạc bộ Nhà Quản lý
- Tốt nghiệp loại giỏi
Đại học Central Missouri, học bổng MBA Marketing 2009 – 2011
- Điểm trung bình: 4.0/4.0 (điểm tối đa theo cách tính của trường).
- Học bổng Thành tựu sinh viên năm 2010.
- Học bổng dành cho Sinh viên quốc tế năm 2010.
- Thành viên của Hiệp hội Beta Gamma SigmaHonor Academic năm 2009.
- Thành viên của tổ chức Delta Epsilon Iota Academic Honor Society năm 2009.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Marketing, Thản được trao tặng học bổng du học toàn phần ngành Industrial Management và được chọn làm trợ giảng cho khóa học 2011-2013. Tuy nhiên Thản đã xin “khất học bổng” này để đi làm tích lũy kinh nghiệm. Hiện nay Thản đang là chuyên viên phân tích kinh doanh tại tổ chức Michaels Arts and Craft Corp tại Irving Texas.
Mở đầu, bạn có thể chia sẻ với chúng tôi về những lý do và cách thức mà trước đây bạn đã đưa ra sự lựa chọn điểm đến du học cũng như chuyên ngành nghiên cứu của mình hay không?
Lựa chọn du học tại Hoa Kỳ của mình ngoài lý do là mình đạt học bổng thì còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác. Trong đó, tiêu biểu là sự cuốn hút của một môi trường học tập vô cùng tiên tiến và có sự cởi mở với sinh viên quốc tế. Bởi đây là một quốc gia đa chủng tộc nên sẽ có ít sự phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, thị trường làm việc tại Hoa Kỳ rất mở rộng và chi phí cho cuộc sống, học tập cũng không quá cao với mình.
Đối với mình, việc chọn được một trường tốt với học phí vừa phải và có thêm nhiều bạn bè quốc tế là những tiêu chí chọn trường hàng đầu của mình. Vậy nên trong quá trình đưa ra lựa chọn, mình đã phải tìm hiểu rất nhiều.
Bạn có thể giới thiệu một chút về ngôi trường của bạn không?
Trường học của mình Central Missouri nằm ở tiểu bang Missouri, vùng Midwest. Trường nằm trong một khu cộng đồng dân khoảng 20.000 người. Lợi thế của việc du học trong môi trường này thứ nhất là sự yên tĩnh do trường ở khá xa thành phố, mất khoảng 40 phút chạy xe ô tô, nên sinh viên thường tập trung hơn vào việc học tập mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường xung quanh. Thứ hai, ngôi trường của mình có rất nhiều sinh viên quốc tế đến từ gần 100 quốc gia trong đó có 6 sinh viên Việt Nam, còn lại là người Mỹ trắng. Điều đó tạo điều kiện tốt cho việc giao lưu phát triển sinh ngữ. Các hoạt động ngoại khóa trong trường cũng hết sức phong phú. Cạnh đó, chi phí sinh hoạt của trường cũng rất phù hợp rơi vào khoảng $250-$300/tháng, so với những nơi khác, chi phí này là sự mơ ước của không ít du học sinh trên thế giới.
Bạn đã gặp những khó khăn gì khi tiếp thu một chương trình cao học mới mẻ, có nhiều khác biệt so với ở Việt Nam? Và bạn đã khắc phục chúng như thế nào?
Tất nhiên khi đến một quốc gia mới, môi trường mới và bạn bè mới ai cũng có sự lạ lẫm, đặc biệt là tới Mỹ – nơi mọi thứ dường như phát triển quá xa so với đất nước Việt Nam của chúng ta. Đối với mình, đó là những khó khăn về văn hóa và việc tiếp thu phương pháp học tập mới.
Văn hóa ở giảng đường của sinh viên Mỹ cũng khác nhiều so với ở Việt Nam. Ở Mỹ, việc hiểu bài quan trọng hơn là việc ghi chép bài. Những bài tập, bài kiểm tra tập trung khai thác sự am hiểu mọi vấn đề của sinh viên, không mang mục đích kiểm tra trí nhớ. Hình thức trả bài bằng thuyết trình là phổ biến hơn cả
Rời khỏi giảng đường, mình phải đối mặt với những khó khăn trong giao tiếp hàng ngày như tìm chủ đề nói chuyện và bắt chuyện.
Bạn có đánh giá như thế nào về môi trường và chất lượng giáo dục tại quốc gia mà bạn đang du học nói chung và trường đại học của bạn nói riêng?
Đối với mình, môi trường giáo dục tại Mỹ có thể nói là đứng hàng đầu thế giới. Đội ngũ giáo viên giỏi và nhiệt huyết. Sinh viên do vậy cũng rất độc lập trong việc trao đổi kiến thức và rất tự tin. Chính vì thế, đầu ra của sinh viên rất bảo đảm.
Bạn có chia sẻ gì về phương pháp học tập cũng như bí quyết phân bổ thời gian một cách hợp lý để đạt được những thành công như vậy?
Cuộc sống tại Mỹ tự do nên việc sắp xếp thời gian cũng là một thử thách lớn đối với nhiều sinh viên. Đối với mình, mình luôn quan niệm rằng “Chưa hết bài chưa đi chơi, chưa xong bài chưa đi ngủ” cho nên mình luôn hoàn thành bài vở trước thời hạn được giao. Mình dành thời gian còn lại để giao lưu với bạn bè Mỹ và quốc tế để học và hiểu thêm về văn hóa nơi đây (có những điều mà giờ mình vẫn còn đang shock đấy ^^).
Qua quá trình học tập, làm việc cá nhân cũng như hoạt động nhóm, bạn đã học hỏi được những gì từ các giáo sư và bạn bè quốc tế?
Mấy năm ở Mỹ, mình học hỏi được rất nhiều từ mọi người. Nói đến bạn bè Mỹ, mình rất may mắn có được 4 người bạn rất thân là người Mỹ, họ đã giới thiệu cho mình rất nhiều về phong tục tập quán, đôi khi mời mình đến nhà dự bữa tối trong những ngày lễ như Giáng sinh, Easter và Tết dương lịch. Điều mình thích nhất ở người Mỹ là tính độc lập, tự chủ và luôn lạc quan.
Nói đến những vị giáo sư ở trường đại học, mình biết ơn họ đã giảng dạy cho mình phương pháp suy luận, học kết hợp với hành. Giáo sư ở đây cũng giống như một người bạn vậy. Bạn có thể thoải mái trao đổi bài vở, suy nghĩ mà không sợ bị chê cười. Mình rất hài lòng về những người bạn cũng như những người thầy mà mình đã may mắn có được tại nơi này.
Khi bắt đầu cuộc sống du học, một trong những khó khăn lớn nhất của bất kì ai đó là là việc hòa nhập với một môi trường mới với nhiều thành phần quốc gia, dân tộc. Bạn có mất nhiều thời gian để làm quen và hòa nhập môi trường mới?
Nếu nói về việc quen với môi trường sống, sinh hoạt khi mới sang mình cũng chỉ mất khoảng 2 tháng thôi. Còn để quen với sinh viên quốc tế chắc là mất khoảng 1- 2 tháng.
Để quen với bạn bè Mỹ và hiểu được họ thì sẽ mất nhiều thời gian hơn. Mình nghĩ sinh viên quốc tế nào cũng gặp phải khó khăn này. Để thấy thoải mái và hòa nhập hoàn toàn được với môi trường Mỹ thì phải mất ít nhất 1 năm.
Bên cạnh đó, việc mới đầu phải sống xa nhà ở một quốc gia xa xôi sẽ khiến bạn nhiều khi cô đơn và nhớ nhà nhất là khi ốm hay stress mà lại không có người thân bên cạnh. Bạn đã vượt qua và bù đắp những thìếu thốn tình cảm ấy như thế nào?
Xa nhà, là nhớ cha nhớ mẹ và đôi khi rất cô độc, thiếu tự tin. Dù ở nhà bạn là con ngoan trò giỏi, có thành tích đầy mình thì ở Mỹ bạn cũng chỉ là một “anonymous person” (người không được ai biết đến). Để quen với cảm giác nhớ về gia đình thì mình hay chat Skype với ba me. Còn để giảm những cú shock thì mình phải cố gắng nghĩ rằng mình sang đây mục đích là phải học thật tốt.
Bạn đã lên kế hoạch cho tương lai của mình chưa? Nơi nào sẽ là điểm đến của bạn?
Mình muốn trở về Việt Nam làm việc sau khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm trên đất Mỹ. Trong tương lai mình muốn trở thành một doanh nhân thành đạt. Nhưng vì mình rất thích dạy học nên vẫn muốn tham gia giảng dạy bán thời gian để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ.
Cảm ơn bạn!