Sau rất nhiều vất vả để săn một cơ hội lên đường, nhiều teen du học nhà mình đến lúc đáp chuyến bay xuống một vùng đất khác, mới giật mình nhận ra bản thân không hề có kiến thức gì cho việc quản lý ngân sách và chi tiêu. Hãy tham khảo những kinh nghiệm dưới đây để có cách quản lý tài chính hợp lý bạn nhé.
Những sự cố không lường trước
Sang Nhật du học, cậu bạn Nguyễn Lâm (17 tuổi) chỉ mang theo đủ số tiền chi phí cho việc học, tiền nhà và sinh hoạt trong vòng một tháng. Lâm chỉ đơn giản chia các hạng mục tiêu xài ra thành từng khoản lớn và ngây thơ nghĩ rằng sau một tháng, mọi thứ sẽ ổn định đâu lại vào đấy. Nhưng do không tìm hiểu kỹ trước khi sang, Lâm tá hoả vì số tiền trong túi cạn dần với tốc độ chóng mặt, vì Nhật Bản vốn là một nước chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ. Tiền thuê nhà, tiền đi lại, thêm vào các thủ tục giấy tờ công chứng cũng ngốn một khoản kha khá. Và trong tháng đầu tiên khi vừa chân ướt chân ráo sang, Lâm rơi ngay vào cảnh “phá sản” ngay kế hoạch chi tiêu.
Bi đát hơn, T. Nam (18 tuổi) khi sang Mỹ du học, nghe bạn bè đi trước chia sẻ đừng nên sử dụng tiền mặt khi thanh toán mà dùng thẻ thì tiện lợi và tiết kiệm hơn. Nam nhanh chóng rút một ít tiền mặt bỏ vào ví để dành đi xe buýt, còn lại cho hết vào thẻ. Cho đến một lần do mải mê chen lấn tham gia hội trại, Nam đánh rơi mất thẻ. Và suốt một tháng, Nam phải xoay sở với số tiền “còm cõi” còn lại để sống sót qua ngày chờ giấy xác nhận làm lại thẻ.
Xoay sở với “bể ngân sách”
T. Nam đã sống qua ngày với túi rỗng bằng việc ăn mì gói cứu đói. Sau khi ngán quá, Nam lân la mày mò, tìm kiếm các khu vực bán thức ăn food- give- away (loại thức ăn gần hết hạn được các siêu thị hay hộ dân đem ra bán giá rẻ). Để tiết kiệm tiền đi xe buýt, Nam phải mượn xe đạp và tranh thủ rời nhà thật sớm để kịp giờ lên lớp chung với mọi người.
“Với tài liệu ôn thi thì tớ đành mượn ké bạn bè để ghi chép, hay mượn thêm sách tham khảo của thư viện đem về học. Gì chứ tiền tài liệu học thuật bên đây cũng đắt đỏ lắm. Thư viện cho mượn 10 ngày thì cứ học cho hết 10 ngày rồi đem trả, trả xong qua hôm sau lại bắt đầu mượn lại một chu trình 10 ngày mới. Cũng ổn thoả thôi!” – Nam chia sẻ.
Còn bạn N. Lâm thì tự giải cứu mình bằng việc liên lạc ngay với hội sinh viên trường thông báo về tình trạng thê thảm của mình, sau đó bộc lộ nguyện vọng muốn xin việc làm thêm. Cuối cùng, Lâm được nhận vào trợ giảng một lớp dạy tiếng Nhật cho người mới sang với thời gian biểu phù hợp với lịch học. Được một thời gian, Lâm còn tranh thủ sắp xếp để mở thêm lớp dạy tiếng Việt cho những gia đình người Việt Nam cần duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ cho con cháu. Tháng đầu tiên, những cậu bạn vốn được bảo bọc từ bé, cái gì cũng có mẹ lo, đã học được cách đương đầu với khó khăn khi xa gia đình.
Những điểm cần lưu ý:
Nên vạch trước những tình huống xấu nhất mà bạn có thể nghĩ ra, kiểu như mất sách thư viện, mất chìa khoá, mất thẻ, hay vi phạm luật lệ gì đó thì có thể bị phạt/đền bù bao nhiêu tiền? Đừng ngần ngại thắc mắc và nhờ sự giúp đỡ của các anh chị đi trước.
Nghiên cứu kỹ lưỡng nền văn hoá và chi phí sinh hoạt nơi bạn sắp đến. Nghe có vẻ vô lý, nhưng rất nhiều teen chỉ chăm chỉ học hành, viết luận, mà không hề có tí ti kiến thức gì về cuộc sống du học cả. Bạn có thể tìm hiểu thông qua các cẩm nang guide-book dành cho sinh viên mới.
Lập một bảng ngân sách chi tiêu rõ ràng ngay từ khi còn ở nhà, chia tiền thành nhiều khoản và nghiêm khắc với các hạng mục mình đã đề ra.
Tìm việc làm thêm. Ngay cả khi bạn không rơi vào cảnh cháy túi thì việc làm thêm cũng là cách giúp bạn hoà nhập rất nhanh. Liên hệ với các trung tâm hỗ trợ hay hội sinh viên trường, các bảng thông báo nơi bạn học, hay liên lạc với giáo viên đứng lớp xin làm trợ giảng cũng là một ý rất hay.
Không có sự chuẩn bị nào là thừa thãi cả. Chúc cho giấc mơ lên đường của bạn được cất cánh thành công nhé!