Khái niệm săn học bổng không còn là xa lạ với học sinh Việt Nam, những kinh nghiệm cá nhân quý báu được các bạn truyền tai nhau. Hãy cùng học hỏi kinh nghiệm săn học bổng thành công của các bạn trẻ dưới đây nhé.
“Săn” học bổng trong nước: Đơn giản!
Đặng Nhật Ánh (SV năm 4, khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV) luôn được bạn bè ngưỡng mộ bởi hầu như học phí và những đồ dùng như laptop, máy ảnh, xe máy… đều được cô bạn tự sắm bằng chính số tiền học bổng mà mình “săn” được.
Nhật Ánh “bật mí”: Điều quan trọng nhất là bạn cần duy trì thành tích học tập và nỗ lực hết sức mình để luôn có được một bảng điểm “đẹp”. Đây chính là cơ sở đầu tiên để xét duyệt hầu hết các loại học bổng.
Đặng Nhật Ánh từng là Á khoa đầu vào của ĐH KHXH&NV TP.HCM
Tiếp đến, bạn cần thường xuyên cập nhật thông tin về các suất học bổng trên các trang mạng như Hội Sinh viên Việt Nam và trong mảng giáo dục của các trang báo hoặc website các trường. Việc cập nhật thường xuyên giúp bạn kịp thời hoàn tất hồ sơ và không bỏ lỡ những suất học bổng phù hợp. Theo mình, thời điểm “săn” học bổng lý tưởng nhất là sau khi kết thúc học kỳ khoảng một tháng.
Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng bảng điểm có dấu xác nhận của trường, bảng khai thành tích cá nhân hoặc giấy xác nhận của địa phương (nếu cần). Mách nhỏ: Nên để sẵn các bảng khai trong máy tính để dễ dàng cập nhật và bổ sung. Hồ sơ nào cũng cần bảng khai thành tích. Tùy vào tiêu chí của học bổng mà bạn tự làm nổi bật bảng thành tích của mình khác nhau. Ví dụ, học bổng hoạt động thì bạn nên làm nổi bật các hoạt động của bạn, và ngược lại, nếu là học bổng học tập thì phải làm nổi bật các thành tích học tập lên.
“Bí kíp” của mình khi làm hồ sơ là luôn kèm theo một thư giới thiệu. Nếu là học bổng học tập thì nên nhờ một thầy cô giáo giảng dạy mình hoặc giáo viên chủ nhiệm nhận xét. Nếu là học bổng hoạt động thì bạn nên nhờ bên Đoàn, Hội Học sinh – Sinh viên của trường. Nhớ trình bày rõ lý do kèm theo bảng điểm, thành tích học tập hoặc hoạt động để họ có cơ sở nhận xét giúp mình bạn.
Cuối cùng là phần lời giới thiệu hoặc thư đề xuất thì mình luôn viết tay. Cá nhân mình nghĩ, viết tay thể hiện sự trân trọng hơn và qua nét chữ cũng để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Và tất nhiên, sau khi nhận học bổng, bạn đừng quên thư cảm ơn đến doanh nghiệp hoặc cá nhân đã tài trợ học bổng cho bạn nhé!
Học bổng du học không khó – chỉ cần bạn sẵn sàng!
Đó là “bật mí” của hai cô bạn Đỗ Thị Trang Thanh (sinh viên năm 4, ngành Hàn Quốc học, ĐH KHXH&NV) vừa trở về tư xứ sở kim chi và Nguyễn Thái Kiều Oanh (sinh viên năm 4, ngành Nhật Bản học, ĐH KHXH&NV) đang du học tại xứ sở hoa anh đào.
Trang Thanh tại Seoul, Hàn Quốc
Đỗ Thị Trang Thanh cho hay: Trong năm học, bạn hãy cố gắng tập trung học tốt để có số điểm thật cao, khi xét học bổng cũng dễ hơn (vì thường xét theo điểm tích luỹ học tập), học đều các môn từ đại cương cho đến chuyên ngành. Ngoài ra, cần phải tham gia nhiều hoạt động, đó là lợi thế để khi xét học bổng, bạn sẽ được ưu tiên hơn những bạn khác.
Đặc biệt, khi có bất cứ học bổng nào, bạn cũng cần nhanh chóng nắm bắt thông tin và gửi đúng thời hạn. Nhiều bạn vì ngại những giấy tờ chuẩn bị mà bỏ mất cơ hội học bổng trong nước lẫn học bổng du học. Ngoài ra, đến khi được học bổng rồi, cũng phải kiên trì, bình tĩnh để chuẩn bị hồ sơ (xin visa, bảo lưu kết quả…). Thanh nghĩ, mỗi bạn nên làm sẵn hộ chiếu và những giấy tờ liên quan vì thường học bổng nào cũng yêu cầu nộp hộ chiếu ngay từ lúc xét.
Còn theo Nguyễn Thái Kiều Oanh , ngoài bảng điểm “đẹp” và giấy tờ sẵn sàng thì “bí kíp” là phải…lỳ! “Bạn cần thường xuyên cập nhật thông tin ở trường và trên các trang mạng. Nếu lần này không được thì phải kiên trì “săn” tiếp những học bổng khác. Nhờ kiên trì và chịu khó cập nhật thông tin như thế mà mình đã bắt được cơ hội ra nước ngoài học tập.
Oanh đang là du học sinh tại Osaka, Nhật Bản
Du học Nhật Bản là ước mơ cháy bỏng của sinh viên ngành Nhật Bản học như mình. Đó không chỉ là cơ hội được nâng cao trình độ ngoại ngữ mà còn là một sự trải nghiệm rất thú vị về văn hóa và con người tại xứ sở hoa anh đào””
Những bộ môn thuộc khoa Đông Phương học (ĐH KHXH& NV TP.HCM) thường xuyên nhận được các suất học bổng do chính phủ các nước trao tặng cho những sinh viên xuất sắc của khoa. Đó là cơ hội không quá khó để sinh viên có thể có được cơ hội học tập ở chính xứ sở mà ngành Đông phương học đang hướng đến. Vì vậy, nếu yêu thích ngôn ngữ và văn hóa của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì bạn cũng có thể thi vào để tìm kiếm cơ hội một cách dễ dàng hơn.
Học bổng là ước mơ của không ít bạn trẻ để hỗ trợ thêm cho quá trình học tập cũng như mở ra một cơ hội học tập ở nước ngoài. Nếu bạn đang có một bảng điểm đẹp thì đừng bỏ lỡ những cơ hội để đón nhận những suất học bổng cho mình.