Các kỹ năng và kinh nghiệm để tìm kiếm việc làm là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần có của bất cứ ai định cư tại vùng đất mới. Trong bài viết này, tôi mong muốn có sự chia sẻ và đóng góp của nhiều anh, chị cùng tham gia để góp phần tạo ra một cẩm nang cho cộng đồng người Việt trong việc tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.Dưới đây là những kinh nghiệm và tri thức mà tôi có được, xin chia sẻ với các anh, chị và hy vọng có thêm nhiều ý kiến đóng góp bổ ích khác:
1. Tìm hiểu thông tin, xác định mục đích
- Xác định rõ những việc bạn có thể làm: những việc làm fulltime, các việc làm bán thời gian phụ thuộc vào năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân. Có những lúc cần phải lấy ngắn nuôi dài bằng các công việc đơn giản và bán thời gian khi mới tạo lập cuộc sống. Đối với việc làm bán thời gian cũng rất đa dạng, vì Canada trả lương theo giờ (làm giờ nào tính tiền giờ đó), nên các ông chủ khi thuê nhân viên cũng khá linh hoạt về thời gian, thậm chí làm ngân hàng cũng có nhân viên part-time.
- Tìm hiểu thông tin qua các website của chính phủ dành cho người mới tới: để hiểu rõ những dịch vụ của chính phủ cung cấp cho người mới tới, các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
- Tìm hiểu về xu hướng phát triển các ngành nghề: các ngành nghề đang thiếu nhân lực tại liên bang và tại địa phương, điều kiện về bằng cấp và trình độ cần thiết đối với từng nghề thông qua các dữ liệu thống kê của chính phủ, qua website hướng dẫn của chính phủ.
- Mua tạp chí dành cho người mới tới phát hành định kỳ, đây là tạp chí hướng dẫn rất cần thiết và có nhiều thông tin bổ ích để tạo lập cuộc sống mới ở Canada. Rất nhiều kinh nghiệm phong phú của những người định cư thành công trong việc tạo lập cuộc sống mới mà chúng ta có thể học tập.
2. Tham gia vào các cộng đồng nghề nghiệp
– Tham gia vào các forum trên mạng: các diễn đàn này sẽ cung cấp các câu hỏi và những tình huống rất thực tế của những người cùng nghề nghiệp và cùng mối quan tâm với bạn. Dữ liệu được lưu trữ từ quá khứ tới hiện tại và có thể tham khao online bất cứ thời gian nào.
– Tạo ra các quan hệ hỗ trợ cho phát triển nghề nghiệp của bạn
- Quan hệ với cộng đồng người Việt: những người cùng ngôn ngữ, văn hóa và đã định cư lâu năm tại nước sở tại, họ có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ từ cách kiếm việc, kinh doanh và kinh nghiệm sống.
- Tham gia các câu lạc bộ dành cho người mới tới: các câu lạc bộ này thường do chính phủ địa phương tạo ra nhằm tạo môi trường giao lưu cho những người mới tới. Bằng cách tham gia các câu lạc bộ này bạn sẽ có nhiều bạn bè hơn và có thêm nhhững kinh nghiệm của những người cùng cảnh ngộ, cách thức và các bài học mà những người đó đã trải qua.
– Tham gia vào các câu lạc bộ nghề nghiệp, gặp gỡ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn muốn làm, đồng thời có thể qua trung tâm hỗ trợ người mới tới, họ có thể tìm kiếm những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn lựa chọn nghề nghiệp để hẹn gặp và chia sẻ kinh nghiệm cho bạn. Đây là những người làm việc hòan toàn thiện nguyện.
– Tham gia vào các cộng đồng và hoạt động xã hội khác nhau nếu bạn cảm thấy hợp với sở thích và có lợi cho phát triển mối quan hệ và nghề nghiệp sau này.
3. Xây dựng kế hoạch học tập
- Học tập fulltime hay bán thời gian: Tùy theo điều kiện kinh tế và hoàn cảnh từng người để đăng ký học fulltime hay học bán thời gian. Tại Canada có rất nhiều khóa học khác nhau và sinh viên có thể lựa chọn thời gian (có những buổi học vào buổi tối, vào chủ nhật, thứ bảy…) và cách thức học phù hợp với mình. Không nhất thiết lúc nào cũng phải có mặt trên lớp, chỉ cần là vượt qua đầy đủ các kỳ thi là được cấp bằng (có nhiều người chỉ lấy tài liệu về tự học, thời gian lên lớp cũng rất ít).
- Đối với những người đã có bằng cấp và kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam thì nên tận dụng nó, đừng tự ti rằng các bằng cấp và kinh nghiệm này không có giá trị, Cụ thể nếu bạn từng học đại học tại Việt Nam thì khi học lại đại học bên Canada cùng ngành sẽ không phải chịu nhiều điều kiện và học nhiều môn học như người chưa từng học ngành đó. Hoặc có nhiều doanh nghiệp khi họ cần người làm, nếu bạn có bằng cấp tại Việt Nam sẽ được ưu tiên tuyển dụng hơn là người khác không có kinh nghiệm và chủ doanh nghiệp sẽ đào tạo bổ sung thêm kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc. Tại Canada cũng có một dịch vụ nhằm đánh giá trình độ và kỹ năng của người nhập cư, so sánh với tiêu chuẩn nghề nghiệp của Canada, sau đó tư vấn cho người nhập cư bổ xung thêm những kiến thức, kỹ năng phù hợp, không nhất thiết học lại hết từ đầu.
Học thực tế
- Trở thành khách hàng trước khi làm nhân viên. Ví dụ bạn muốn vào làm việc trong ngành ngân hàng thì trước tiên nên trở thành khách hàng của ngân hàng. Chỉ cần với một số tiền nhỏ để mở tài khỏan thì bạn có thể sử dụng rất nhiều các dịch vụ khác nhau, qua đó bạn hoàn toàn hiểu được khá nhiều về các công việc sau này bạn sẽ phải làm và tâm lý khách hàng khi mà bạn đã từng sử dụng thực tế sản phẩm của ngân hàng.
- Làm công tác thiện nguyện trước khi đi làm. Trước khi bắt tay vào một nghề nào đó, nếu có cơ hội làm thiện nguyện thì bạn nên xung phong làm. Đây là cách rất tốt để học, tích lũy kinh nghiệm thực tế và mở rộng quan hệ bạn bè.
Học các kỹ năng làm việc cần thiết
- Kỹ năng giao tiếp trong doanh nghiệp
- Tiếng Anh.
- Kỹ năng viết đơn xin việc
- Kỹ năng phỏng vấn
- Các quyền và nghĩa vụ của người lao động
Những kỹ năng này tại Canada được đào tạo miễn phí cho người mới tới nên bạn chỉ cần tìm những khóa học và đăng ký học.
4. Tìm kiếm việc làm
- Các website và dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm việc làm (người lao động được miễn phí).
- Sử dụng các mối quan hệ đã có được do bạn tự tạo ra trước đó (Tại Canada nhiều công việc qua bạn bè và người thân quen giới thiệu).
- Tham gia các ngày hội nghề nghiệp: là cơ hội để trao đổi với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại địa phương. Tôi đã tham gia các hội chợ như này và thu được rất nhiều thông tin. Các doanh nghiệp khá nhiệt tình giải thích cặn kẽ và đưa những thông tin chi tiết cho bạn về những vị trí họ cần, công việc đảm nhận, bằng cấp cần, giới thiệu về doanh nghiệp của họ.
- Trực tiếp truy cập vào website của các công ty mà bạn quan tâm xem họ có nhu cầu tuyển dụng nhân viên hay không?
Nguyễn Hồng Hải