Để hồ sơ du học ấn tượng và đạt được thành công để du học Anh bạn cần có một bản tự giới thiệu bản thân (Personal Statement – PS) thật cụ thể và nổi bật. Hầu như tất cả các cơ sở đào tạo bậc đại học của Anh đều là thành viên của Cơ quan Phụ trách Tuyển sinh bậc đại học tại Anh , vì vậy, những ai muốn học đại học ở Anh (cả sinh viên bản xứ lẫn nước ngoài) đều phải đăng ký qua UCAS.
Mỗi hồ sơ của ứng viên nộp cho UCAS đưa ra tối đa 5 lựa chọn về khóa học và ứng viên phải hoàn thành vào giữa tháng 1 của năm dự định bắt đầu học đại học. Vào khoảng giữa tháng 5, ứng viên có thể biết kết quả của cả 5 sự lựa chọn của mình.
Kinh nghiệm thuyết phục
Nguyễn Linh Trang, cựu du học sinh tại Bristol, cho biết: “Điều quan trọng nhất cần trình bày trong PS là giải thích tại sao bạn lựa chọn khóa học, điều gì đã lôi cuốn bạn. Trước đây, UCAS chỉ dành một vài dòng để các thí sinh viết PS, nhưng nay thí sinh có cả một trang giấy để trình bày, điều này cho thấy UCAS rất coi trọng bài PS.
Theo Trang, khi bắt đầu viết hãy lập ra một danh sách những gì có thể đưa vào PS dưới ba tiêu đề như: lý do lựa chọn khóa học, những thành tích và kinh nghiệm, sở thích. Lý do lựa chọn khóa học nên chiếm 30% hoặc có thể hơn trong nội dung của PS. Phần còn lại dành cho thành tích, kinh nghiệm và sở thích, kết luận nên ngắn gọn trong 1 – 2 dòng. Độ dài của cả bài PS có thể từ 40 – 47 dòng.
Một kinh nghiệm khác được bạn Trung Hiếu, cựu du học sinh tại Nottingham, chia sẻ là kế hoạch nghề nghiệp. Du học sinh cần phải viết về kế hoạch nghề nghiệp sau này của mình. Nếu đã có ý tưởng về nghề nghiệp tương lai, bạn nên trình bày tại sao ngành nghề đó lại hấp dẫn.
Nội dung này đặc biệt quan trọng với những ngành nghề có tính đặc thù như ngành luật hay ngành y. Thêm vào đó là phần “tự khai” về kinh nghiệm. Hiếu cho rằng nên mạnh dạn kể bất kỳ kinh nghiệm, sự hiểu biết có liên quan đến gia đình, bạn bè; kinh nghiệm làm việc hay học việc…
Nội dung này rất cần thiết cho các khóa học liên quan đến ngành y cũng như các khóa học đào tạo chuyên ngành. Bạn có kinh nghiệm nào khác, như kinh nghiệm làm việc bán thời gian, có thể giúp củng cố cam kết theo học chuyên ngành đã lựa chọn thì cũng nên kể ra.
Nếu nộp hồ sơ cho hơn một ngành học, nên tập trung vào ngành nào mang tính cạnh tranh nhất, trong khi đó vẫn cần thể hiện có hứng thú với chuyên ngành khác đã đăng ký, ít cạnh tranh hơn và an toàn hơn. Lựa chọn thứ hai là tìm kiếm những lý do có thể áp dụng với cả hai chuyên ngành học. Chú ý tránh viết chung chung.
Tạo ấn tượng cá nhân
Trên các diễn đàn của du học sinh Việt Nam tại Anh, kinh nghiệm về viết PS cũng được chia sẻ khá rõ. Trong đó, tạo ấn tượng cá nhân là rất quan trọng vì nó giúp người viết nổi bật trong đám đông và cho thấy bạn là một cá thể đặc biệt.
Trong nhiều trường hợp, dấu ấn cá nhân được thể hiện ngay ở danh sách thành tích đã đạt được và các sở thích. Nhưng phần lớn ứng viên không có được bảng danh sách ấn tượng này, và đây chính là lúc cần đến những chi tiết và thông tin bổ trợ.
Một du học sinh kể lại kinh nghiệm khi đưa âm nhạc vào bài PS: “Với âm nhạc, bạn có thể trình bày rõ hơn về loại nhạc bạn thường nghe. Bạn không cần phải quá “lên gân” khi viết về nội dung này, hãy nói rõ bạn đã học được gì, ví dụ như một bài học đáng nhớ hay một kỹ năng cần thiết. Tôi đã viết trong PS về các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam và kể rằng mình có thể chơi được độc huyền cầm. Người đọc sẽ rất tò mò, muốn biết loại nhạc cụ này như thế nào và chắc chắn họ sẽ muốn gặp người viết”.
Bất cứ một thể loại bài viết nào cũng có những điều nên và không nên làm, PS cũng vậy. Theo các chuyên gia, du học sinh nên tránh dùng những sáo ngữ, nhất là không nên… “nổ” kiểu như “Tôi sẽ là sinh viên giỏi nhất trong năm mà ông/bà sẽ thấy”.
Không viết tắt và dùng tiếng lóng, không lặp đi lặp lại bất kỳ thông tin nào đã viết mà nên dành cho những nội dung cần thiết khác. Đặc biệt chớ dại dột sao chép PS của người khác hay sử dụng nội dung tìm được trên internet, hoặc thuê người khác viết hộ! UCAS sử dụng phần mềm kiểm tra tất cả các PS để phát hiện người đạo văn.