Ăn, mặc và ở là ba yếu tố quan trọng của đời sống con người. Bạn đã biết gì về lối sống của người Hàn Quốc. Có nhiều giả thuyết cho rằng con người ở Thời kỳ đồ đá cũ bắt đầu định cư trên bán đảo Triều Tiên cách đây khoảng từ 40.000 đến 50.000 năm, tuy nhiên vẫn cần phải xác định xem họ có phải là tổ tiên của người Hàn Quốc ngày nay hay không. Một số người Thời kỳ đồ đá cũ sống trong hang động, số khác xây chỗ ở trên mặt đất bằng. Họ sống bằng hoa quả và các loại rễ cây có thể ăn được và bằng săn bắt, câu cá.
Con người ở Thời kỳ đồ đá mới xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên khoảng năm 4000 trước công nguyên. Người ta tìm thấy dấu vết về hoạt động của họ trên khắp bán đảo vào khoảng năm 3000 trước công nguyên. Người ta tin rằng người ở Thời kỳ đồ đá mới đã hình thành nên chủng tộc người Triều Tiên. Người ở Thời kỳ đồ đá mới sống ở gần bờ biển, bờ sông trước khi tiến sâu vào đất liền. Biển là nguồn cung cấp thức ăn chính. Họ sử dụng lưới, móc câu và cần câu để bắt cá và đánh bắt các động vật biển có vỏ. Săn bắt cũng là một cách để có thức ăn. Nhiều đầu mũi tên và giáo mác nhọn đã được tìm thấy ở các khu vực người ở Thời kỳ đồ đá mới sống. Về sau, họ bắt đầu làm việc trồng trọt với cuốc đá, liềm đá và cối xay.
Nhà ở truyền thống của người Hàn Quốc vẫn gần như không thay đổi từ thời kỳ Ba Vương quốc cho đến cuối thời đại Joseon (1392- 1910). Ondol, hệ thống lò sưởi dưới sàn nhà rất độc đáo của người Hàn Quốc đã được sử dụng đầu tiên ở miền bắc. Khói và hơi nóng được dẫn qua các ống xây dưới sàn nhà. Ở miền nam ấm áp hơn, ondol được dùng kết hợp với sàn nhà bằng gỗ. Vật liệu chính dùng để dựng nên những căn nhà truyền thống này là đất sét và gỗ. Giwa, có nghĩa là nhà có lợp mái ngói màu đen được làm từ đất, thường bằng đất sét đỏ. Ngày nay, toà nhà làm việc của Tổng thống gọi là Cheong Wa Dae hay Nhà Xanh, vì ngói lợp lên mái nhà có màu xanh.
Nhà truyền thống thường được xây mà không cần sử dụng một chiếc đinh vít nào vì được ghép với nhau bằng các chốt gỗ. Nhà dành cho tầng lớp thượng lưu bao gồm một số kiến trúc tách biệt: một phòng dành cho phụ nữ và trẻ nhỏ, một phòng dành cho những người đàn ông trong gia đình và các vị khách của họ và một phòng khác cho những người giúp việc, tất cả các phòng đều có tường bao quanh khép kín. Điện thờ tổ tiên của gia đình được xây ở phía sau ngôi nhà. Thỉnh thoảng chúng ta có thể gặp một ao sen được xây ở trước ngôi nhà phía ngoài bức tường.
Hình dáng ngôi nhà cũng có thể rất khác biệt giữa miền Bắc lạnh lẽo và miền Nam ấm áp. Những ngôi nhà đơn giản ở miền Nam thường có hình chữ nhật, có một bếp, một phòng ở bên cạnh tạo cho toàn bộ khu nhà có hình chữ L; nhưng ở miền Bắc nhà có hình chữ U hoặc hình vuông với sân ở giữa.
Từ cuối những năm 1960, kiểu nhà truyền thống Hàn Quốc bắt đầu thay đổi nhanh chóng với việc xây dựng những toà nhà chung cư theo kiểu phương Tây. Những khu nhà chung cư cao tầng mọc lên như nấm trên khắp đất nước Hàn Quốc từ sau thập kỷ 70.
Người Hàn Quốc bắt đầu dệt vải bằng cây gai và cây dong và nuôi tằm để dệt lụa. Trong thời kỳ ba Vương quốc, đàn ông mặc jeogori (áo khoác ngoài), baji (quần dài), và durumagi (áo choàng) cùng với mũ, dây lưng và giày. Phụ nữ mặc jeogori (áo khoác ngắn), với hai dải vải dài được buộc chặt vào nhau để tạo thành cái nơ otgoreum, dài kín chân, mặc với chima – váy thắt eo cao, durumagi với beoseon – tất trắng – và những đôi giày hình thuyền. Những bộ quần áo này, được biết đến như hanbok, đã được lưu truyền từ nhiều năm nay với kiểu dáng hầu như không thay đổi, ngoại trừ chiều dài của jeogori và chima.
Trang phục châu Âu thâm nhập vào Hàn Quốc từ thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong thời kỳ công nghiệp hoá mạnh mẽ đất nước những năm 1960 và 1970 người ta coi hanbok không phù hợp với cách ăn mặc thoải mái, nên không thông dụng như trước. Tuy nhiên gần đây, những người yêu thích hanbok đã vận động mặc lại trang phục này và đã tạo ra những kiểu cách mới để thuận tiện hơn khi mặc.
Trang phục truyền thống hanbok thường được mặc vào những ngày lễ đặc biệt như Tết âm lịch và Chuseok – ngày Lễ mùa (Hội mùa rằm trung thu), và các ngày lễ của gia đình như Hwangap, lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 60.
Trong ba yếu tố cơ bản của cuộc sống – nhà ở, quần áo và thực phẩm – thì những thay đổi trong thói quen ăn uống đã tác động đến người Hàn Quốc rất nhiều. Gạo vẫn là lương thực chính của hầu hết người dân Hàn Quốc, nhưng trong thế hệ trẻ ngày nay, nhiều người lại thích các món ăn phương Tây. Người Hàn Quốc thường ăn cơm với nhiều thức ăn khác, chủ yếu là các loại rau xanh đã nêm gia vị, canh, các món hầm trong nồi đất và thịt.
Bữa cơm truyền thống của người Hàn Quốc không thể thiếu được món kimchi, món ăn được làm từ nhiều loại rau muối như cải bắp, củ cải, hành xanh và dưa chuột. Một số loại kimchi thường được nêm gia vị bằng cách thêm bột ớt đỏ, còn một số loại khác không được trộn với ớt bột mà được ngâm trong những dung dịch tạo vị khác. Tuy nhiên tỏi luôn được cho vào kimchi để tăng mùi vị cho món này.
Vào cuối tháng Mười Một hoặc đầu tháng Mười Hai, gia đình người Hàn Quốc thường tập trung vào gimjang, nghĩa là chuẩn bị làm kimchi, phục vụ cho cả mùa đông dài. Cho tới vài thập kỉ trước, kimchi chuẩn bị cho mùa đông được để trong những vại to chôn dưới đất để giữ nguyên mùi vị. Với sự phát triển của nhà chung cư hiện nay, các nhà sản xuất đồ điện đã sản xuất những chiếc tủ lạnh đặc dụng dùng để bảo quản kim chi. Ngoài ra, ngày càng có nhiều nhà máy chế biến kimchi, vì ngày càng có nhiều gia đình mua kimchi làm sẵn thay vì tự làm.
Ngoài kimchi, doenjang (món tương đỗ) với tính chất chống ung thư cũng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà dinh dưỡng hiện đại. Người Hàn Quốc thường làm doenjang ở nhà bằng cách luộc chín hạt đậu vàng rồi phơi chúng trong bóng râm, ngâm trong nước muối và để lên men dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, ngày nay rất ít gia đình thực hiện đầy đủ quy trình này tại nhà, phần lớn các gia đình đều mua doenjang do nhà máy sản xuất chế biến.
Trong số các món thịt, món bulgogi (thường làm bằng thịt bò) và galbi (sườn bò hoặc lợn) tẩm gia vị được người Hàn Quốc và khách nước ngoài ưa thích nhất.
Trích lược từ Korea Now