Lời tri ân của một du học sinh dành cho thầy cô

Xin gửi lời chúc 20/11 đến tất cả các thầy cô, chúc các thầy cô luôn luôn mạnh khỏe để tiếp tục dìu dắt nhiều thế hệ học sinh, sinh viên hơn nữa.

http://caodangvtc.edu.vn/trangchu/uploads/news/2012_11/nhagiao2011_634573753112138000.jpg

Cô giáo đầu tiên của tôi là người Nga, cô Ta-ma-ra Pav-lôv-na, khi tôi mới lên 3 tuổi. Là một đứa trẻ đang còn học nói, tôi đã được cô giáo rất quý mến và chiều chuộng: cô luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho tôi kể cả khi tôi là một đứa trẻ ngoại quốc, ví dụ như cô giáo sẽ thưởng cho tôi cái kẹo mỗi khi tôi phát âm chuẩn được một âm, vì như tiếng nga có nhiều âm rất khó, như âm [RỜ], phải phát âm rất dài, nắn lưỡi chuẩn mới có thể phát âm được.

Năm tôi lên 9 tuổi, cô giáo chủ nhiệm của tôi ở Mát-cơ-va gợi ý cho tôi theo học nhạc. Ở Nga trường nhạc rất nhiều, mỗi khu dân cư đều có một trường nhạc nên đa số các bạn Nga đều biết chơi ít nhất một nhạc cụ. Tôi về nhà xin ý kiến của bố mẹ, bố mẹ tôi thấy đó là một ý kiến rất hay.

Vậy là tôi đã rất may mắn được học đàn violon từ thầy Si-môn Bô-ri-xô-vích, người Do Thái. Đó là một người thầy tuyệt vời, rất quan tâm đến học sinh. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi thi học kỳ môn violon, thầy cho tôi kéo tập ở ngoài phòng thi trước. Lúc đó tôi rất hồi hộp đến mức luống cuống nên đã chơi rất dở. Nhưng rồi khi vào phòng thi, tôi đã tự nhủ phải nỗ lực hết mình để đáp lại công lao dạy dỗ của thày và tôi thực hiện bài thi violon đầu đời rất xuất sắc khi được điểm tối đa – điểm 5.

Năm tôi 12 tuổi, gia đình tôi chuyển về Việt Nam sống. Tôi theo học tiếp ở trường đại sứ quán Nga, nơi tôi được các thầy cô người Nga dậy. Tôi tiếp tục học đàn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tiếp xúc với môi trường học tập ở Việt Nam là một trải nghiệm rất mới đối với tôi khi đó. Người thầy Việt Nam đầu tiên của tôi tại Học viện là thầy Ngô Hoàng Linh. Thầy được coi là cây violon số một, tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Thầy Linh nổi tiếng trong trường là một người rất nghiêm túc và khắt khe với học trò. Thành thật bốn năm đầu, tôi rất sợ thầy, nếu hôm nào có lỡ không kịp học bài thì tôi sẽ bị run tay đến rơi cả vĩ.

Tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với thầy Linh và các chị em cùng lớp violon trong chuyến đi sang Indonesia và Thái Lan với mục đích tham gia các cuộc thi (concours) giao lưu với nhạc viện bên nước ngoài. Qua chuyến thăm quan này tôi đã hiểu được thầy của tôi hơn, và cũng có cảm giác đỡ sợ hơn. Tôi rất biết ơn thầy đã nghiêm khắc với tôi, đã dạy tôi kỹ, để mà bây giờ, tôi có thể tự hào biểu diễn violon vào những ngày lễ lớn ở trường một cách điêu luyện.

Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi bắt đầu cuộc sống tự lập khi mới 17 tuổi. Tôi sang Hà Lan du học, và tôi đã có thể hoà nhập rất nhanh được với cuộc sống sinh viên ở đó. Điều này không tự nhiên mà có, cũng đều là nhờ may mắn được làm quen với thầy dạy thi tiếng Anh IELTS của tôi.

Thầy là thầy Phạm Xuân Thọ, người đã từng đi du học ở Úc (Melbourne). Thầy đã chia sẻ với tôi các kinh nghiệm của thầy khi sống ở nước ngoài qua mỗi buổi học IELTS, để tôi không có cảm giác bỡ ngỡ khi đi du học.

Không có thầy Thọ chắc tôi cũng không có ngày hôm nay: được đi du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT, được tham gia chương trình trao đổi một năm ở Ý, được “vi vu” khắp châu Âu. Thầy đã giúp tôi trong vòng 5 tháng đạt được đủ tiêu chuẩn đi du học. Cảm ơn thầy nhiều lắm!

Giờ đây, khi ngồi ở giảng đường tại trường đại học kinh tế LUISS (Ý), tôi viết những dòng này, với lòng biết ơn vô hạn tới tất cả thầy cô giáo, những người đã hết lòng vì sự nghiệp “trồng người’. Xin gửi lời chúc 20/11 đến tất cả các thầy cô, chúc các thầy cô luôn luôn mạnh khỏe để tiếp tục dìu dắt nhiều thế hệ học sinh, sinh viên hơn nữa.

Nguyễn Khánh Linh

Du học sinh Việt Nam tại trường LUISS (Ý)

Nhóm liên quan: