Du học mục đích chính là học tập kiến thức cũng như những điều văn minh tiến bộ ở nước ngoài. Nhưng ngoài ra đối với một số du học sinh du học còn có vô vàn những lý do khác kèm theo mà có thể những lý do đó sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Du học để làm mới bản thân
Là một cô gái dám nghĩ dám làm, học hết năm nhất đại học, Thái Hà (19 tuổi, Hà Nội) cảm thấy mọi thứ có vẻ nhàm chán, ít sôi động và không tạo được dấu ấn. Quyết định bảo lưu kết quả, Hà săn học bổng bán phần sang Hàn Quốc học về nhạc. Không chắc chắn sẽ theo con đường âm nhạc nhưng được thỏa đam mê của bản thân, được “vùng vẫy” ở một môi trường khá mở, nhưng Hà vẫn cảm thấy thích thú. “Mọi thứ khiến tớ thấy mới mẻ và tớ học được rất nhiều từ cuộc sống ở xứ Kim Chi này. Khi nào thấy đủ, tớ sẽ trở về tiếp tục theo học ngành marketing”, cô bạn cho biết.
Không ít những bạn trẻ Việt Nam đi du học với chung suy nghĩ như Thái Hà. Với mục đích đó, rất nhiều bạn sau một thời gian du học, đã trải nghiệm được cuộc sống, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và rất năng động, hiện đại.
Du học do chán học trong nước
Lý do này cũng phổ biến không kém trong cộng đồng giới trẻ. Họ vô định, không có kế hoạch cho tương lai, không có cảm giác hào hứng học tập và thế là… xách vali đi du học!
Đang theo học chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng năm thứ 3, Bảo Nhật (23 tuổi, Đà Nẵng) thấy “phát ngán” những con số. Vốn có năng khiếu, lại được bạn bè rủ rê, Nhật khăn gói sang Anh quốc để học ngành Fashion Stylist. Cậu bạn cho biết ở vùng trời ấy, mình thấy hào hứng hơn mặc dù không định hướng được tương lai có mang được nghề ấy về nước hay không.
Chán việc học tập nên không ít bạn đã quyết định đi… du học
Còn Vũ Trang (lưu học sinh ở Úc) thì ngay khi tốt nghiệp THPT đã “sống chết” năn nỉ bố mẹ cho đi du học tự túc bởi lý do… không biết thi ĐH vào trường nào và không có hứng thú học ở Việt Nam . Thậm chí cô bạn cũng không biết chọn lựa ngành gì, bố mẹ phải gõ cửa mấy trung tâm tư vấn du học để thu xếp. Hiện tại cô bạn đang học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” và làm part-time ở công ty lữ hành để có thể đi du lịch.
Du học để về mở cty riêng
Ra trường được 2 năm, nhảy việc ở rất nhiều công ty, Duy Phương (Hà Nội) bắt đầu thấy mình cần có biến chuyển. Phương nghĩ đến việc học ở một môi trường giáo dục tiên tiến, nâng cao khả năng ngoại ngữ để có thể khởi nghiệp riêng của mình, tức là làm “ông chủ”. Nghĩ là làm, Phương nhanh chóng chọn một trường tầm trung ở Singapore để học Master. Hiện giờ cậu đang gần hoàn thành các môn học cuối cùng và kế hoạch mở công ty riêng sắp được hiện thực hóa.
Mở công ty riêng cũng là ước muốn của nhiều bạn trẻ sau khi du học trở về
Xu hướng này đòi hỏi bạn trẻ phải có tiềm lực tốt về kinh tế từ gia đình, bởi khởi nghiệp trong thời buổi kinh tế khó khăn này không hề đơn giản. Hơn nữa, những kiến thức học ở nước ngoài không phải tất cả đều phù hợp với thị trường Việt Nam , cần có sự chọn lọc và sáng tạo hợp lý.
Du học vì nhiều bạn bè cũng du học
Mặc dù ngoại ngữ rất kém và khả năng học tập chỉ vào loại trung bình nhưng Ngọc Anh (18t, Q.3, TP.HCM) vẫn nằng nặc đòi ba mẹ cho đi du học, bởi trong nhóm bạn thân có 5 người thì đã có 2 bạn sang nước ngoài học tập. Mặt khác, cô bạn cũng muốn chứng tỏ đẳng cấp với bạn bè, “nhà giàu là phải đi du học”. Vì cưng chiều cô con gái út và gia đình cũng khá giả nên phụ huynh đã cố gắng hoàn thành thủ tục cho cô bạn.
Tuy nhiên, đến khi qua được nước Úc thì Ngọc Anh ngay lập tức bị “sốc” vì môi trường học tập quá áp lực. Dù được học Anh văn một năm trước khi vào khóa học chính nhưng do trình độ kém nên cô nàng không theo kịp bạn bè. Bên cạnh đó, ở nhà được bố mẹ thương yêu, không phải làm bất cứ công việc gì nên đến khi đi du học, một mình phải lo tất cả mọi việc, cô bạn đâm ra chán nản đến phát khóc.
Du học để… kiếm chồng
Xu hướng này đang là “mốt” trong giới trẻ, được các bạn nữ truyền tai nhau các bí kíp để kiếm được “đấng phu quân” vừa ý. Đau khổ chia tay cuộc tình, bị bạn trai bỏ rơi, gia đình không đồng ý chuyện tình cảm tại Việt Nam, không còn niềm tin ở con trai… thì phương án “du học” với các bạn nữ là không tồi.
Theo Khánh Ly (du học sinh Nhật Bản) thì: “Có đi xa mới biết được rằng các chàng trai “hay ho” đã đi du học hết. Chỉ cần chịu khó tham gia các hoạt động của du học sinh Việt ở nước đó như: giải thể thao, picnic, tọa đàm… là các bạn gái có thể làm quen và lên kế hoạch “tấn công” các chàng rồi”. Tình đồng hương, duyên nợ gặp nhau ở xứ người và một chút khéo léo từ các bạn nữ là ba điều căn bản cho một mối quan hệ lâu dài.
“Điêu luyện” hơn, một số cô nàng cũng tìm kiếm các bạn trai ngoại quốc. Họ khá ấn tượng với con gái châu Á bởi sự dịu dàng, vóc dáng nhỏ nhắn… và nếu cả hai hợp nhau, đám cưới đến là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên những khác biệt về văn hóa, cách sống cũng dễ khiến nhiều cô bạn phải rơi vào các tình huống “dở khóc dở cười”.
Đầu tư cho tương lai, cho đam mê bản thân không bao giờ là muộn. Các bạn trẻ hãy xác định rõ con đường học và lựa chọn bước đi hợp lý. “Xuất ngoại” là một phương án cần được suy xét kỹ, sao cho đầu tư thời gian, công sức và cả tiền bạc của bố mẹ là có ích, có ý nghĩa nhé.