“Dạo một vòng” qua các trang thông tin cũng như các diễn đàn, người viết bài này nhận thấy các bạn ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện ước mơ du học và rất cần những tư vấn cặn kẽ, kinh nghiệm du học từ những người đi trước.
Hiện nay, thông tin về du học khá phong phú trên báo chí, diễn đàn và nhất là internet… Đây thật sự là một thuận lợi so với cách đây chừng hơn 10 năm trước, khi mà thông tin thực sự là “cửa ải” không dễ dàng với những bạn muốn đi du học.
“Dạo một vòng” qua các trang thông tin cũng như các diễn đàn, người viết bài này nhận thấy các bạn ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện ước mơ du học và rất cần những tư vấn cặn kẽ, kinh nghiệm từ những người đi trước.
Là người đi trước, đã trải qua những việc mà một du học sinh phải thực hiện ngay từ khi còn ở trong nước, tôi muốn chia sẻ để các bạn có thêm thông tin và tự mình có thể thực hiện trước khi chờ đợi sự trả lời hay giúp đỡ từ những người khác.
1. Tìm hiểu thông tin về trường và ngành muốn học ở nước ngoài
Với sự “giúp sức” của các trang tìm kiếm trực tuyến thì vấn đề này hoàn toàn không có gì khó khăn để thực hiện. Tuy nhiên, các bạn cũng cần tìm hiểu thêm qua các phương tiện thông tin đại chúng, người thân, thầy cô… để có một cái nhìn tương đối tổng quát về ngành nghề mình muốn học. Không những thế, hầu hết các trường ở nước ngoài đều giới thiệu chương trình học của ngành đó trên trang web. Có như vậy, sau thời gian tốt nghiệp ở nước ngoài, các bạn hoàn toàn có thể về nước làm việc và không lo lắng vì đã chọn sai ngành.
2. Thông qua văn phòng đại diện
Muốn đi học tại các nước như Mỹ, Anh, Đức, Pháp… các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin qua các văn phòng đại diện ở Hà Nội, TP.HCM hoặc Đà Nẵng. Đây là nơi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cập nhật nhất về sinh sống, học tập, học phí, bảo hiểm… ở nước các bạn muốn đến.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý, trước hết các bạn phải có thông tin ban đầu, đã tìm hiểu những thông tin trên web của văn phòng nhưng còn “mơ hồ” và khi ấy mới đặt câu hỏi qua thư điện tử cũng như mong được tư vấn trực tiếp. Việc này để tránh những câu hỏi đã có sẵn câu trả lời, người tư vấn chắc chắn cũng nhiệt tình hơn khi biết rằng bạn đã chứng tỏ sự chủ động của bản thân trong việc tìm hiểu thông tin.
3. Tập trung “đầu tư” ngoại ngữ, kỹ năng
Sau khi đã có thông tin cụ thể về trường, ngành, các yêu cầu của ngành học thì ngoại ngữ là vấn đề tiếp theo các bạn không được chủ quan. Rất nhiều bạn cho rằng, học ngoại ngữ ở Việt Nam khó đạt hiệu quả cao và chỉ chú ý đến các việc khác. Khi sang nước ngoài mới bắt đầu học thì vừa mất nhiều thời gian, tiền bạc. Học ngoại ngữ thì không bao giờ đủ kể cả khi đã có thể đáp ứng các yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp. Không những thế, nhiều bạn vẫn còn thiếu các kỹ năng cần thiết hàng ngày thì đây cũng là thời gian để tìm hiểu, thu thập thông tin.
4. Tham gia phỏng vấn, kiểm tra trình độ
Đây có lẽ là vấn đề mà nhiều bạn “ngán” nhất và không biết phải thực hiện như thế nào. Thực tế, đây chỉ là một bước để xác định rằng các bạn đã có những thông tin đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu trong việc sinh sống và học tập ở nước ngoài. Quan trọng nhất, mỗi người muốn du học cần tự tin để chứng tỏ mình là một sinh viên rất năng động, mong muốn tiếp thu kiến thức từ các nước tiên tiến.
Hãy xem cuộc phỏng vấn là một cuộc trò chuyện và chính các bạn chứ không ai khác biết bản thân mình thiếu những kỹ năng nào, kiến thức gì để bổ sung trước khi bước vào vòng “knock out” này.
5. Liên lạc với trường, khoa, văn phòng quản lý du học sinh
Sau khi đã cầm chắc hộ chiếu, visa trên tay thì các bạn hoàn toàn có thể thông báo thông tin cụ thể về ngày giờ bay, thời gian, địa điểm đến nơi cho trường các bạn sẽ học. Điều này sẽ giúp cho các bạn yên tâm hơn khi sang nước ngoài và những người có trách nhiệm cũng sẽ chủ động hơn trong việc đón tại sân bay, nhà ga hoặc hướng dẫn về việc đi lại, đăng ký các thông tin ban đầu (bắt buộc) tại thành phố, tại trường.
Thành công ở nước ngoài, đạt được mục tiêu đã đề ra là điều mà những ai đi du học đều mong muốn. Và, điều đó sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn nếu như các bạn có một bước chuẩn bị chu đáo ngay từ khi còn ở nhà.
Nguyễn Quốc Vỹ
(NCS ở Đức) – nguyenquocvy@gmail.com