Những điều cần lưu ý khi chọn điểm đến du học

Lựa chọn điểm đến du học phù hợp nhất với mình không phải là điều đơn giản. Ngoài việc lựa chọn ngành học, ngôn ngữ, văn hóa còn rất nhiều vấn đề bạn cần để tâm đến. Dưới đây là những điểm cần lưu ý khi lựa chọn điểm đến du học.

http://petrotimes.vn/stores/news_dataimages/chudiepquynh/052013/24/14/Du_hoc_dang_tro_thanh_trao_luu.jpg

Chi phí du học

Tiêu chí này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh sống và học tập của bạn khi đi du học, nhất là những trường hợp du học tự túc hoặc vừa học vừa làm. Nếu nơi bạn học có mức học phí quá cao, sinh hoạt phí đắt đỏ, mà kinh tế gia đình bạn chưa thực sự thoải mái hoặc khó khăn, thì quá trình học của bạn có thể bị “gãy gánh” giữa đường.

Nhiều bạn đi du học bằng con đường tự túc và đến những nước đắt đỏ, gia đình phải vay mượn, cầm cố tài sản, bán đất, bán nhà… rất vất vả. Có nhiều bạn gia đình không kham nổi, con cái phải bỏ dở du học giữa chừng. Một số nước thường có chi phí học tập và sinh sống đắt đỏ như Anh, Nhật, Singapore, Mỹ, các nước Bắc Âu…

Hiện tại, một số nước có chính sách miễn học phí, nếu người học được chấp nhận vào học như Phần Lan, Đức… và do đó, người học chỉ phải lo phần sinh hoạt phí, nên các nước này được rất nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn đến học.

Cơ hội làm thêm và tỷ lệ thất nghiệp sau tốt nghiệp

Những bạn có ý định vừa học vừa làm, cần quan tâm đến cơ hội và điều kiện làm việc trong quá trình học. Vì một số nước người học không được làm việc, một số lại cho làm việc trong một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần, hoặc một số nước hoàn toàn mở cho du học sinh làm thêm. Hiện tại kinh tế thế giới đang khủng hoảng, người bản địa cũng thất nghiệp nhiều, nên các bạn càng nên kỹ tiêu chí này.

Những ai có ý định ở lại sau khi du học, thì cần quan tâm đến cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp. Không phải nước nào cũng dễ và mở cửa cho người học ở lại sau khi tốt nghiệp.

Khoảng cách địa lý

Tiêu chí này cần được quan tâm đối với những bạn đã có gia đình, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt cần phải về thăm nhà thường xuyên. Bạn cần nhớ rằng, mỗi lần về thăm nhà là bạn phải chuẩn bị hàng tháng trời, rất vất vả, tốn kém. Chẳng hạn, nếu bạn học ở châu Mỹ hoặc châu Âu, thì cứ xác định là mất gần 2 ngày, trong đó gần 1 ngày ngồi trên máy bay để về nhà, và chi phí lên đến vài chục triệu đồng cho vé máy bay, tàu xe.

Tỷ lệ đỗ visa

Không phải nước nào cũng dễ xin visa du học, nhất là các trường hợp du học tự túc hoặc vừa học vừa làm. Có những bạn xin visa đi Mỹ 7-8 lần không được, có người xin visa du học tự túc Ba Lan phải đi lại hàng tháng trời mới được… Trong khi đó, nhiều nước lại xin visa dễ hơn như Nhật, Hàn, Trung Quốc, Anh…

Những bạn được học bổng, thì việc xin visa thường rất thuận lợi và nhanh chóng. Vì trường hợp này thường được ưu tiên, mọi giấy tờ, thủ tục đều được tổ chức cấp học bổng hỗ trợ.

Nếu ai có ý đinh ở lại sau khi tốt nghiệp, thì cần quan tâm đến cơ hội xin thẻ cư trú, gia hạn visa. Nhiều nước không muốn cho người học ở lại làm việc, vì họ cho rằng như thế sẽ làm mất cơ hội xin việc của người bản địa, tăng dân số, là gánh nặng cho xã hội của họ.

Tình hình an ninh, ổn định

Bạn có bao giờ nghĩ rằng, đi du học mà lúc nào cũng lo ngay ngáy khi nào thì chiến tranh sẽ xảy ra, khi nào thì động đất, sóng thần…? Và khi đó, bạn có thể yên tâm để học tập không?

Nếu không muốn bị “stress” về những cái đó, thì việc xét đến tình hình an ninh của nước đến học là việc cần thiết. Bạn cần biết rằng, tinh thần có thoải mái, cảm giác có an toàn thì học tập nghiên cứu mới thành công được.

Nhóm liên quan: ,