Ở nhiều trường THPT nổi tiếng trên thành phố hiện nay như trường Năng khiếu quốc gia, trường chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thượng Hiền… học sinh giỏi không cần phải đi săn. Các công ty, trường học nước ngoài đều có những suất học bổng mời chào các tài năng tương lai của nước Việt Nam sang xứ người học. Và cơ hội được ở lại làm việc là hơn 60%.
Chính vì vậy, học sinh giỏi các trường này cứ ung dung chờ “sung rụng” mà khỏi phải chạy kiếm học bổng Đông hay Tây. Tuy nhiên, đó là những trường hợp săn nhân tài của một số công ty, xí nghiệp. Còn lại, nếu người học chỉ có trình độ khá thì vẫn có thể tìm cho mình một cơ hội như ai.
Và cơ hội này càng cao với những người đang đi học hay đã đi học nhưng có thành tích tốt, khả năng làm việc khá giỏi, cộng với trình độ ngoại ngữ phải hơn người.
Đang làm việc cho một công ty kiểm toán nước ngoài, lương lãnh bằng tiền đô, cơ hội phát triển cũng nhiều nhưng với vốn kiến thức tiếng Anh tốt, Ngô Kim Oanh cũng tìm cho mình một cơ hội đi du học nước ngoài. Khi đọc được thông tin về chương trình học bổng phát triển ADS của Australia năm 2003, cô bèn nộp đơn dự thi.
Trải qua một kỳ thi tuyển gắt gao với hơn 300 thí sinh được chọn từ khu vực phía Nam, Oanh đã tìm cho mình một suất đi học cao học ngành luật không mất tiền. Đấu tranh với người yêu “dữ dội” cô mới được đồng ý cho chuyến đi mở mang tầm mắt và nâng cao kiến thức tầm xa này.
Vào tháng 9 năm nay cô sẽ tốt nghiệp và về nước. Oanh nhận xét: “Phải cố gắng học và làm hết tất cả những gì mình muốn làm trước khi lập gia đình và càng không thể bỏ qua cơ hội được đi du học. Quan trọng là mình phải học tập tốt và vượt qua được những cám dỗ để trở về với người thân, với đất nước”.
Đoàn Trần Anh Vũ, du học sinh đang học tại ĐH Nottingham (Anh quốc) cũng tự tìm hành trình đến với xứ người qua cơ hội tìm học bổng trên mạng, trên các báo chí và qua những lần các trường tiếp thị trong các hội thảo về du học.
May mắn và cả là một niềm hạnh phúc cho sự cố gắng cho những năm học vất vả của Vũ là săn được học bổng khóa chứng chỉ A tại trường Abbey College. Chỉ cần chịu khó đến các buổi hội thảo giới thiệu trường, “vừa biết về các ngành đào tạo, chương trình học, vừa tìm được cơ hội nhận học bổng”, Vũ cười, giới thiệu cách làm vừa tiện vừa lợi của mình.
Theo Hà Nội Mới, với các trang web www.scholarship-search.org.uk bạn có thể tìm học bổng của vương quốc Anh, hay như www.diplomatie.gouv.fr học bổng của chính phủ Pháp, www.daadvn.org để tìm học bổng của Đức, hay www.svvn.ru dành cho những ai muốn quan tâm đến cơ hội học ở Nga, www.atlantic.edu.vn , www.idp.com.vn tìm học bổng du học Australia…
Theo nhiều chuyên gia nhận xét, ngoài các trang web của các trường, của chính phủ các nước, người săn không nên bỏ qua các trang web từ thiện, tổ chức phi chính phủ… vì đây cũng là một trong những kho tàng bí ẩn mà ít ai biết đến.
Điều cần thiết của một người muốn có một suất du học miễn phí là ngoài khả năng ngoại ngữ kha khá, bạn còn phải chứng tỏ khả năng vượt trội của mình về học lực, các hiểu biết về vấn đề xã hội, cách hoạch định tương lai…. và cả cá tính của bản thân.
Tuy nhiên, ở một số nước như Pháp, Nga, du học sinh cần phải khá giỏi ngôn ngữ của đất nước này mới mong tìm một chỗ trong giảng đường miễn phí. Ngoài ra, lời khuyên dành cho các bạn đã săn được học bổng là nên tìm hiểu kỹ thông tin về trường được nhận học bổng. Có đôi khi bạn được thưởng cho những cố gắng tích cực bằng một vé vào cổng ở những trường vùng sâu, vùng xa hay chỉ ở cấp độ trường làng…
Các thông tin về khóa học, thời gian học, môi trường sống, điều kiện đi lại… đều có thể được phản hồi hay thu nhận từ các forum của các trang web sinh viên Việt Nam tại các nước là một thứ cẩm nang đừng bỏ sót.
Không chỉ vậy, bạn còn phải có điều kiện tài chính tương đối để “hậu thuẫn”, vì luật pháp một số nước không cho sinh viên đi làm thêm hoặc bị hạn chế thời gian đi làm vì quy định.
Cuộc Sống Việt _ Theo Ngoisao.net