Săn học bổng du học đại học

Ngoài học lực, cần phải ghi điểm với các trường ĐH nước ngoài bằng hoạt động ngoại khóa, bài luận… Đó là kinh nghiệm “săn” học bổng của hầu hết các du học sinh Việt Nam.

Trần Bá Khôi Nguyên, sinh viên năm thứ 2 ngành toán ứng dụng Trường ĐH Duke (Mỹ), cho biết đã phải dành hẳn 2 năm để chuẩn bị cho quá trình du học. Vì vậy, không bất ngờ khi Nguyên nhận được hơn 10 học bổng từ các trường ĐH danh tiếng trên thế giới.

“Đánh bóng” hồ sơ

Khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM, với thành tích học tập xuất sắc, Nguyên đã được cấp học bổng toàn phần học trung học tại Trường Anglo – Chinese Junior College (Singapore). Trong thời gian học phổ thông, Nguyên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như làm hướng dẫn viên cho một trung tâm du học, được bầu chọn là phó chủ tịch Hội Du học sinh quốc tế tại Singapore và tham gia Diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á năm 2008.

Kết thúc bậc phổ thông, Nguyên về nước, dành hẳn 2 năm tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở Bến Tre, cứu trợ bão lũ ở Tây Nguyên, cứu trợ hạn hán tại Hà Giang… Sau đó, hồ sơ của Nguyên được 10 trường ĐH nước ngoài chấp nhận. Trong đó có nhiều trường hàng đầu như ĐH Cambridge (Anh), ĐH Stanford (Mỹ), SMU (Singapore)… Cuối cùng, Nguyên chọn học bổng toàn phần của Trường ĐH Duke (Mỹ).

“Trong quá trình làm hồ sơ, bạn phải chuẩn bị đầy đủ bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ đoạt các giải quốc tế, đề tài nghiên cứu khoa học, các hoạt động ngoại khóa… thì việc xin cấp học bổng sẽ dễ dàng hơn” – Nguyên tiết lộ.

Săn học bổng du học - nd

Đoàn Nguyễn Duy Anh (trái) và Lê Tấn Việt được các du học sinh xem là 2 “chuyên gia” hàng đầu trong việc “săn” học bổng du học

Được nhận vào 5 trường ĐH danh tiếng của Mỹ, Lê Tấn Việt, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Texas Chiristian, cho biết sở dĩ được các trường ĐH danh tiếng như Florida Institude of Technology, Rose Hulman, Drexel, Lafayette… chấp nhận hồ sơ là do em rất chú trọng đến việc viết bài luận. Việt cũng “bật mí” rằng khi có ý định du học thì học sinh nên chuẩn bị viết bài luận trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, tùy vào yêu cầu của từng trường, để “đánh bóng” hồ sơ thì không chỉ học lực mà còn những khả năng khác. Chẳng hạn khả năng chơi piano cùng các hoạt động ngoại khóa cũng chính là yếu tố cốt lõi để Trường ĐH Texas Chiristian (Mỹ) đồng ý tài trợ học bổng toàn phần cho Việt.

Trang bị kỹ năng

Đoàn Nguyễn Duy Anh, cựu học sinh chuyên Anh Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), được 8 trường ĐH hàng đầu của Mỹ gửi thư mời nhập học trong tháng 4-2012 như MIT Princeton, Columbia, Colgate…

Duy Anh cho biết trong quá trình làm hồ sơ đã gặp không ít rắc rối và bị các trường từ chối do em thiếu kinh nghiệm và kỹ năng. Vì vậy, Duy Anh đã tìm gặp các du học sinh Việt Nam để nhờ hướng dẫn làm hồ sơ, tìm hiểu các chính sách của từng trường ĐH… Sau đó, Duy Anh giữ vững mối liên hệ với cộng đồng du học sinh và có nhiều đóng góp cho tổ chức này.

Ngoài ra, thành tích học tập xuất sắc (giải nhất môn toán toàn bang Delawere, danh hiệu AP Scholar dành riêng cho học sinh ưu tú), năng nổ tham gia các hoạt động xã hội khác (dạy kèm cho các em nhỏ, tham gia các hội nghị quốc tế…) đã giúp Duy Anh gây ấn tượng với các trường ĐH hàng đầu.

Cuối cùng, Duy Anh đã chọn trường ĐH MIT danh tiếng với mức hỗ trợ học bổng lên đến 90%. “Cần linh hoạt trong việc chọn trường, chọn ngành và có chiến thuật hợp lý” – Duy Anh khẳng định. Còn Diêm Anh Thư, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), đã quyết định dành một năm sau khi tốt nghiệp THPT để tham gia các hoạt động tình nguyện và tăng cường kỹ năng sống chuẩn bị cho việc du học. Năm nay, Thư được 6 trường ĐH ở Mỹ (gồm Villanova, Franklin & Marshall, Mount Hoyoke, TCU, Cornell College, Ohio Wesheyan) chấp nhận.