Việc theo học thạc sĩ đối với sinh viên Việt Nam ngày nay trở nên khá phổ biến. Những sinh viên có điều kiện cũng như mong muốn học lên cao sau khi tốt nghiệp đại học đều học tiếp chương trình thạc sĩ ở nước ngoài.
Mặc dù quyết định sẽ học theo học thạc sĩ nhưng nhiều bạn trẻ cũng như người thân của họ còn băn khoăn rằng sau khi tốt nghiệp nên học tiếp thạc sĩ hay cứ đi làm một thời rồi hãy học tiếp.
Theo chia sẻ của nhiều du học sinh, nếu có điều kiện kinh tế, họ sẽ chọn cách học một lèo lên cao học rồi về nước hoặc ở lại nước ngoài làm việc. Vì học tiếp tục giúp dễ tiếp thu kiến thức và họ đã quen thuộc với việc lên giảng đường, thi kiểm tra, làm luận văn… Hơn nữa, họ cũng lo lắng rằng đi làm sẽ chịu nhiều áp lực của công việc, gia đình, rất dễ chi phối việc học.
Tuy nhiên, nhiều du học sinh khác lại có quan điểm ngược lại. Trương Hoàng Thùy, đang học thạc sĩ marketing tại Úc, cho biết: Việc học cao học sau nhiều năm đi làm sẽ tốt hơn vì những lý thuyết trong quá trình học đại học có cơ hội để thử nghiệm.
Ngoài ra, những kỹ năng mềm như vi tính, làm việc nhóm, đàm phán, thương thảo, thuyết trình… sẽ ngày càng được củng cố. Khi đó, bạn sẽ nhận ra mình đang thiếu điều gì, thực sự cần tìm hiểu sâu chuyên ngành nào. Việc chọn chuyên ngành cao học lúc này sẽ giúp ích nhiều cho bạn để đạt tới thành công trong công việc tương lai.
Thật ra, chương trình đào tạo thạc sĩ của nhiều nước đều có thiết kế cho đối tượng học tiếp sau khi tốt nghiệp đại học hoặc đi làm rồi mới học. Ví dụ tại Úc, nhiều chương trình được thiết kế phù hợp với người mới tốt nghiệp. Họ đưa vào chương trình kiến thức thực tế từ những mô hình của các công ty lớn…
Vấn đề còn lại chính là bản thân học viên. “Căn cứ vào hoàn cảnh, kế hoạch của mình cũng như khả năng tài chính, chính bạn là người sẽ có câu trả lời cho thời điểm học thạc sĩ phù hợp nhất” – Phan Tuấn Anh, du học sinh tại Mỹ, khuyên.