Được học tập và đào tạo ở Nhật Bản là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhờ có mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước mà người Việt Nam chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội sang nước bạn để giao lưu, học hỏi. Với những bạn chưa từng được đặt chân đến Nhật Bản hoặc đang có ý định đó thì chắc hẳn sẽ rất muốn tìm hiểu về cuộc sống cũng như kinh nghiệm của những người đi trước, những người đã và đang học tập và sinh sống trên đất nước hoa anh đào.
Vừa qua, nhân sự kiện Day Vietnam 2011 tổ chức tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, sự kiện do Chi hội sinh viên Việt Nam tại Học viện GRIPS và cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Trung tâm TIEC – Odaiba phối hợp tổ chức, JF tình cờ có cuộc phỏng vấn với 4 bạn trẻ Việt Nam, những thành viên chủ chốt đã làm nên thành công rực rỡ cho sự kiện này và đồng thời cũng là những nghiên cứu sinh của Học viện GRIPS: anh Tuệ, Xuân, Quyên, và chị Lan Anh. Đây là những cá nhân có bề dày thành tích học tập vô cùng xuất sắc và nổi bật. Hãy cùng tìm hiểu về cuộc sống và môi trường học tập ở Nhật Bản qua buổi nói chuyện của JF với các anh chị này nhé.
Hầu hết những bạn trẻ khi đi du học đều có chung một cảm xúc đó là nhớ nhà, nhớ người thân và bạn bè. Ở Nhật Bản, cộng đồng người Việt khá đông, hơn nữa mọi người lại rất tình cảm và hay giúp đỡ nhau, nên nỗi nhớ đó dường như cũng được vơi bớt phần nào. Điều kiện sống và học tập ở Nhật Bản cũng rất đầy đủ. Đa phần các du học sinh đều cảm thấy hài lòng, vì ở đây, họ được hỗ trợ đầy đủ từ những gì cơ bản nhất, được tiếp cận với nguồn tài liệu phong phú, cập nhật và với những công cụ mới nhất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Nơi đây, kiến thức và các giá trị học thuật thực sự được tôn trọng. Các giáo sư hướng dẫn cũng rất gần gũi và luôn sẵn sàng trao đổi các vấn đề về chuyên môn cũng như cuộc sống với sinh viên. Ngoài ra, môi trường sống ở Nhật Bản cũng đã giúp họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm những điều mới lạ đầy thú vị.
Trong số các anh chị ở đây, chị Lan Anh có lẽ là thực tập sinh lớn tuổi nhất. Chị là nghiên cứu sinh đi theo chương trình tài trợ học bổng của JF, đồng thời, qua chị mà JF được làm quen với các du học sinh còn lại. Lần sang Nhật Bản này, chị đưa cả con trai mình sang cùng nên chị cũng cảm thấy đỡ buồn và nhớ nhà hơn. Cháu còn nhỏ, nên được mẹ cho học mẫu giáo bên này. Cũng nhờ thế mà chị có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với xã hội Nhật Bản. Trước đây, chị đã từng có buổi trò chuyện với JF để chia sẻ về cuộc sống học tập của mình rồi, nên lần này chị muốn được chia sẻ về những khác biệt trong cuộc sống của con trẻ ở Nhật Bản. Chị cho biết, chất lượng giáo dục của các trường mầm non của Nhật Bản rất tốt. Họ tổ chức nhiều hoạt động phong phú để trẻ có cơ hội khám phá, trải nghiệm. Các bé được tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, rèn luyện ý thức tham gia giao thông, đi dã ngoại khám phá thiên nhiên, được tận mắt quan sát thế giới thực. Chị cũng mong muốn các trường mầm non ở Việt Nam sẽ làm được như vậy để giúp con trẻ phát huy óc sáng tạo và phân tích.
Bé Gia Hiển (con trai chị Song Lan Anh) cùng thầy giáo Hideki trong buổi tập luyện lánh nạn phòng tránh động đất tại trường mầm non.
Chị thừa nhận rằng, việc chăm sóc con ở Nhật Bản không hề đơn giản chút nào. Ở Việt Nam, mọi sinh hoạt và đồ dùng cá nhân của các bé đều do nhà trường lo hết. Các bậc phụ huynh chỉ cần đóng tiền cho nhà trường. Trong khi đó, ở Nhật, hàng ngày phụ huynh phải tự chuẩn bị tất cả cho con, từ khăn ăn, khăn lau tay, cho đến bộ thìa dĩa mà các bé dùng ở trường. Có nghĩa là ở Nhật, các phụ huynh bận rộn hơn rất nhiều khi đưa con đến trường mầm non. Nhưng nhờ thế, chị cảm thấy mình có thể bám sát và làm được nhiều điều cho con hơn. Dù sao, chị cũng thấy rất yên tâm học hành khi gửi con ở đây. Chị cũng đã học hỏi được rất nhiều nhờ việc quan sát cách các thày, cô giáo giáo dục con trẻ, hay cách thức dạy con của các ông bố bà mẹ Nhật Bản và thấy tự tin hơn nhiều trong việc nuôi dạy con.
Còn Quyên, người nhỏ tuổi nhất và cũng hay “mít ướt” nhất lại có những cảm nhận riêng về cuộc sống nơi đây. Quyên tâm sự, người Nhật sống khá khép kín và khó hiểu, nhưng bù lại, trong giao tiếp hàng ngày, họ lại rất dễ gần và hòa đồng với người nước ngoài. Đặc biệt, người Nhật rất có cảm tình với người Việt Nam. Họ thường khen sinh viên Việt Nam chăm chỉ, thông minh và tốt bụng. Quyên cũng đã học được ở họ nhiều đức tính tốt như ý chí bền bỉ, tinh thần đoàn kết dân tộc vững chắc và ý thức văn hóa cộng đồng cao. Có thể thấy, qua trận Động đất và Sóng thần lịch sử vừa qua tại Nhật Bản, những đức tính ấy đã được phát huy mạnh mẽ và giúp họ chiến thắng được sự khắc nghiệt và tàn khốc của thiên nhiên. Các du học sinh ở đây đều rất ngưỡng mộ trước sự kiên cường của người Nhật. Khi động đất vừa đi qua là người dân Nhật Bản có thể trở lại ngay cuộc sống bình thường, đối mặt với những thách thức để bước tiếp mà không một lời phàn nàn.
Những ai lần đầu đặt chân đến miền đất mới đều cảm thấy thích thú khám phá, tìm hiểu về đời sống, văn hóa và con người những nơi đó. Anh Xuân cũng không phải một ngoại lệ. Trong những lúc rảnh rỗi cuối tuần, anh dành tương đối nhiều thời gian để đi loanh quanh. Có quá nhiều điều thú vị về đất nước và con người nơi đây mà anh đã bắt gặp và trải nghiệm. Mặc dù không biết tiếng Nhật, nhưng mỗi khi nhắc đến người Nhật, anh luôn dành cho họ sự kính trọng, nể phục. Anh chia sẻ: “Người Nhật đã chứng minh cho cả thế giới thấy về sự quả cảm của họ sau trận động đất sóng thần vừa qua. Họ là ví dụ tuyệt vời nhất cho sự kiên cường, sự vươn lên và mỗi con người là sự kết hợp giữa phong cách hiện đại, chuyên nghiệp với những nét văn hóa truyển thống thấm đẫm trong mỗi cá nhân”. Là lưu học sinh học bằng tiếng Anh, nhưng anh vẫn tự hứa với bản thân rằng trong thời gian tới nhất định sẽ học tiếng Nhật để có thể cảm nhận hết hơi thở cuộc sống nơi đây.
Riêng anh Tuệ, cuộc sống với anh dường như có phần dễ dàng hơn. Mặc dù việc rời xa gia đình, bạn bè là vấn đề khó có thể thích nghi ngay, song anh cảm thấy khá thoải mái với cuộc sống bên này. Dù sao anh cũng đã ở đây được bốn năm rồi. Đối với anh, điều quan trọng hơn cả là tinh thần đoàn kết giữa những người Việt Nam, bởi chỉ có đoàn kết mới giúp họ vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần khi sống ở nơi đất khách quê người. Anh cho biết, các lưu học sinh Việt Nam rất đoàn kết và yêu thương nhau. Họ chia sẻ với nhau từ gói gia vị đến những tâm sự, trăn trở trong cuộc sống. Với anh, và với cả các du học sinh, nước Nhật đã trở thành gia đình thứ hai trong trái tim mỗi người.
Đúng vậy, những ai đã từng sống ở Nhật Bản chắc hẳn đều sẽ cảm thấy lưu luyến mỗi khi phải rời xa. Song, niềm mong ước ấp ủ bấy lâu là được mang những kiến thức tuyệt vời học được nơi đây để về cống hiến cho đất nước mình vẫn luôn thôi thúc họ. Anh Xuân chia sẻ: “Tôi yêu đất nước này, tôi yêu những con người Nhật Bản. Họ đã và đang bao bọc cho những năm tháng tôi sống, học tập và nghiên cứu nơi đây. Tôi nợ người dân Nhật Bản, nên mong muốn có cơ hội để làm gì đó cho đất nước này, đó là học tập thật tốt để khi trở về Việt Nam có thể góp phần vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.”
Nói qua về sự kiện Day Vietnam 2011. Chương trình do các thanh niên trẻ của trường GRIPS khởi xướng, trong đó phải kể đến sự đóng góp của anh Tuệ, anh Xuân, Quyên, chị Song Lan Anh, và đặc biệt là anh Quyết, mặc dù vắng mặt trong lần phỏng vấn này, nhưng anh được coi như linh hồn của bữa tiệc Day Vietnam 2011. Cùng với sự hỗ trợ của Ban dự án TIEC-Jasso (Tổ chức hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản), sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tổ chức VYSA (Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản), chương trình đã thành công ngoài sức tưởng tượng và tạo nên dấu ấn không bao giờ phai trong lòng bạn bè quốc tế. Đã có hơn 500 khán giả thuộc 50 quốc tịch đã đến tham dự và cổ vũ cho chương trình. Một con số thật ấn tượng!
Ban tổ chức Day Vietnam 2011 (từ trái qua: a.Tuệ, a.Quyết, Quyên, a.Xuân) chụp ảnh với bạn Yuki người Nhật – người đã hỗ trợ rất tích cực cho nhóm tổ chức trong ngày diễn ra sự kiện
Thành công của Day Vietnam 2011 là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và công phu với sự quyết tâm cao của nhóm tổ chức, sự đồng lòng của cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản và cả sự nhiệt tình ủng hộ của bạn bè quốc tế. Với những người đã tham gia thực hiện chương trình, những tháng ngày miệt mài chuẩn bị cho Day VietNam 2011 là những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời họ. “Làm được gì cho tổ quốc khi đang du học? Đó là trăn trở của nhiều du học sinh” .
Cùng thời gian này, trận động đất và sóng thần xảy ra trên đất nước Nhật Bản, vì thế mọi người lại càng quyết tâm hơn để chứng tỏ sự hiện diện của Việt Nam nơi đây, chung tay và chia sẻ cùng người dân Nhật Bản. Chương trình đã tổ chức đấu giá từ thiện 2 vé máy bay khứ hồi Tokyo – Hà Nội do Vietnam Airlines tài trợ, thu được số tiền 118,000 Yên để ủng hộ cho những nạn nhân của trận động đất và sóng thần hồi tháng 3.
Hình ảnh chị Song Lan Anh khi thực hiện bài thuyết trình “Việt Nam, hơn 4000 năm lịch sử”
Có thể nói, Day Vietnam 2011 chính là cầu nối để các bạn lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản được giao lưu với nhau, thắt chặt tình đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ nhau. Và nó cũng đã chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy được một dân tộc Việt Nam cởi mở thân thiện và yêu mến hòa bình. Trên tất cả, Day Vietnam 2011 giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người, đất nước, lịch sử và văn hóa Việt Nam, từ đó xây dựng tình đoàn kết hữu nghị trên phương diện quốc tế.
Trước khi chia tay với JF, mỗi thành viên đều gửi gắm những lời chia sẻ và động viên dành cho những bạn trẻ đang có kế hoạch, có mơ ước được đi du học ở Nhật Bản.
Bế Ngọc Quyên: “Hãy tin tưởng vào bản thân và quyết tâm các bạn nhé!”
Lê Anh Xuân: “Việt Nam và Nhật Bản đang có mối quan hệ ngoại giao tuyệt vời, người dân Nhật Bản dành tình cảm rất đặc biệt cho Việt Nam đấy. Xứ sở hoa Anh Đào hiện đại, tươi đẹp và an toàn đang chào đón các bạn! Số lượng học bổng Nhật Bản dành cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam tương đối nhiều, các bạn có thể tìm thông tin trên Internet hoặc hỏi các du học sinh ở Nhật để biết rõ hơn. Cơ hội rất nhiều, vấn đề là bạn có sẵn sàng không?”
Nguyễn Đăng Tuệ: “Cứ mạnh dạn làm là được!”
Nguyễn Song Lan Anh: “Mình biết đi du học tại một đất nước phát triển như Nhật Bản là mơ ước của nhiều người. Chỉ cần có nỗ lực và quyết tâm, các bạn sẽ tìm ra con đường dẫn mình sang học tập tại Nhật Bản, nhưng mình cũng mong tất cả các bạn sau khi học tập xong sẽ quay trở về làm việc cho tổ quốc nhé. Tuy rằng điều kiện và môi trường làm việc tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng những kiến thức mà các bạn đã học tập được tại Nhật Bản chắc chắn sẽ đóng góp được rất nhiều cho sự phát triển của đất nước, để giúp đất nước chúng ta lớn mạnh hơn, xây dựng được tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế!”
Nguồn: VA_st