Trưởng TOP học phí cao quá phải làm sao ?

Có nên chỉ chọn trường thuộc TOP để du học khi vấn đề đáp ứng học phí gặp khó khăn ?

Theo kinh nghiệm của tôi, khi du học, không nhất thiết phải chọn các trường thuộc hàng top vì học phí khá đắt. Nếu lựa chọn kỹ, vẫn tìm được trường có chất lượng tốt mà học phí lại phải chăng.

Đại học Brunel tọa lạc ở phía tây London với hai thế mạnh là ngành Design và Engineering. Khóa học Management tôi đang theo học được Financial Time đánh giá đứng thứ 56 trên thế giới.

Trường có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, công ty về kinh tế, quản lý ở Anh. Các giảng viên đều là giáo sư, tiến sĩ. Có người đứng đầu các tổ chức, công ty lớn ở London, có người là giáo sư nổi tiếng.

Hằng năm, sinh viên có cơ hội tiếp cận rất nhiều chương trình giao lưu trao đổi văn hóa, kinh nghiệm học tập. Vừa qua tôi may mắn được chọn là một trong sáu sinh viên sang Istanbul gặp gỡ, giao lưu với một số công ty về kinh tế và với Đại học Galatasaray.

Để được chọn, sinh viên phải trải qua bài thi logic, nộp sơ yếu lý lịch và “personal statement” (tình trạng cá nhân), trong đó phải thuyết phục làm sao để nhà trường thấy mình phù hợp và xứng đáng được chọn.

Vậy nên việc giành được một suất tham dự chương trình này khiến tôi, một sinh viên Việt Nam, rất tự hào. Chương trình kéo dài trong một tuần, mỗi ngày sẽ có một cuộc thảo luận, thăm một công ty để tìm hiểu môi trường làm việc, cách thức quản lý của công ty đó.

Bên cạnh đó còn có những buổi giao lưu, chia sẻ những bài học cùng kinh nghiệm khi sống và học tập ở xứ người. Chi phí cho việc đi lại, ăn ở, vé máy bay, visa… đều do nhà trường chi trả.

Hầu hết các trường đại học ở Anh đều yêu cầu điểm IELTS đầu vào, nhưng do tôi ngại thi nên chỉ tìm đến những trường không yêu cầu điểm IELTS. Đại học Brunel ở trong số những trường này, và thay vào đó tôi phải thi BRUNelts.

Kỳ thi này được bảo trợ bởi Hội đồng Anh, gồm 5 phần thi: nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp. Thang điểm là 100, nếu được 60 – 70 điểm BRUNelts thì tương đương với 6,0 điểm IELTS, 90 – 100 điểm tương đương điểm IELTS cao nhất (9,0).

Điểm khác biệt giữa hai kỳ thi này là Brunelt có thêm phần thi ngữ pháp, nhờ đó sẽ phân loại, lựa chọn sinh viên dễ dàng hơn. Sinh viên Việt Nam có căn bản ngữ pháp rất tốt nên nếu làm tốt phần thi này sẽ kéo điểm lên rất nhiều, đỡ áp lực hơn so với thi IELTS.

Tôi còn đăng ký học khóa “Presessional” trước khi bước vào khóa học chính. Khóa này không chỉ dạy cách học, cách nghiên cứu, đọc sách, viết luận văn, mà còn dạy cách thích nghi với môi trường sống, văn hóa và các kiến thức về đi lại, ăn uống, phong tục, thói quen của người Anh.

Hầu như trường nào cũng có khóa này, kéo dài 4 tuần, 6 tuần hoặc 8 tuần tùy chọn. Hằng tuần nhà trường đều tổ chức đi tham quan một địa điểm: Oxford, Cambridge, Stratford-upon-Avon…, sinh viên được miễn phí.

Những người bạn của tôi ở các trường khác nói rằng khóa học này không giúp ích gì nhiều, nhưng với tôi, “Presessional” thực sự tốt. Tôi có thêm rất nhiều kiến thức, được làm quen với nhiều bạn và khi bắt đầu khóa học chính thức, trong khi các bạn châu Âu còn không biết cách viết bài luận như thế nào thì tôi đã có thể viết chuẩn như sinh viên bản địa.

Điều quan trọng tôi nhận được tại ngôi trường này không chỉ là tấm bằng tốt nghiệp, mà còn là quãng thời gian sống, học tập, trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời.

Nhóm liên quan: