“ VĂN HÓA NHẬT” DƯỚI GÓC NHÌN DU HỌC SINH VIỆT

Phần 2: Câu chuyện về đức tính “ Trung thực” của người Nhật

Câu chuyện được cảm nhận, chia sẻ bởi du học sinh Trần Hữu Tùng đến từ Quảng Nam đang học tập tại trường Nhật Ngữ Quốc tế J – Osaka.

Đối với thế giới, xứ Phù Tang luôn mang trong mình những đức tính quý báu đáng ngưỡng mộ và một trong số đó tính Trung thực. Tính cách này đã giúp người Nhật thành công trong mọi lĩnh vực và khiến thế giới thêm nể phục.

Học tập ở Nhật đã một thời gian, tôi có cơ hội được đi thăm thú nhiều nơi, tìm hiểu nhiều điều thú vị và có một trong những điều đặc biệt làm tôi bất ngờ cũng như ấn tượng sâu sắc đó là: các “Quầy hàng không người bán”. Ban ngày, người dân vẫn đến công sở để làm việc bình thường, ngoài giờ làm họ trồng thêm hoa màu, rau củ. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói và dán nhãn giá vào từng loại sản phẩm rồi đặt tại “cửa hàng”, người mua cứ theo mệnh giá đã niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng rồi tự lấy đồ. Đến cuối ngày, trên đường đi làm về, người chủ sẽ ghé qua “cửa hàng” để đem thùng tiền về nhà. Sự bất ngờ nằm ở việc có bao nhiêu sản phẩm được lấy đi thì trong thùng có đúng từng đó tiền, không mất đi dù chỉ 1 yên. Rất nhẹ nhàng và đơn giản nhưng ẩn sau “quầy hàng nhỏ không người bán” đó lại là cả sự tin tưởng và lòng trung thực bền chắc của người Nhật.

Tính trung thực ở xứ anh đào còn sáng lên trong tôi một lần nữa qua chuyến thăm Tokyo – nơi hút hồn tôi cả về vẻ năng động lẫn những nét yên bình. Trong lúc say sưa thưởng ngoạn muôn hình vạn vẻ của thành phố thì điện thoại tôi vang lên, ở đầu dây bên kia một giọng nam lên tiếng: “Có phải bạn để quên chiếc máy ảnh Canon trên chuyến xe bus rời đi từ khách sạn Nikko lúc 8h sáng nay không?”, tôi như được kéo về thực tại, soát lại đồ và quả thật tôi đã bỏ quên chiếc máy ảnh quen thuộc. Và lúc này, tôi chợt nhớ và cũng thấm câu nói của Nguyễn Đình Trường Sơn (học sinh trường Nhật Ngữ Fuji – Thành phố Fukuoka – kỳ tháng 7 năm 2013): “Ở Nhật khi bị mất đồ mình chỉ có 1 mong ước duy nhất là người Nhật nhặt được đồ”. Chiếc máy ảnh thân thiết của tôi đã trở về theo cách như thế đó!

Tính trung thực của người Nhật còn bộc lộ cả ở tác phong làm việc. Sống tại Nhật, tôi có cơ hội đi làm thêm tại một cửa hàng Sushi. Dù chỉ là một cửa hàng ăn không quá lớn nhưng yêu cầu của họ rất khắt khe, các món ăn phải đảm bảo an toàn thực phẩm và thẩm mỹ cao. Một hôm, nhóm phụ bếp chúng tôi đã lỡ cắt tỉa lỗi những sản phẩm rau, củ, quả. Thay vì nhất quyết loại bỏ chúng một cách phí phạm vì không đủ tính thẩm mỹ, chúng khéo léo bày biện để che đi khuyết điểm và hôm đó mọi chuyện đều suôn sẻ. Cho đến tối, khi đang trên đường đi làm về thì tôi nhận được tin nhắn từ anh quản lý: “Trách nhiệm của chúng ta là phải đưa đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng và sáng mai anh nghĩ chúng ta phải nhận lỗi với ông chủ về số hoa quả lỗi hôm nay”. Sau tin nhắn đó, tôi đã khá bàng hoàng và cũng ngộ ra rằng để có được chữ tín, ta phải nuôi dưỡng tính trung thực không chỉ trong cuộc sống bình thường mà ngay cả trong công việc.

Ngày qua ngày, con người Nhật, đất nước Nhật lại mở rộng tầm mắt tôi chỉ với những câu chuyện đối nhân xử thế nho nhỏ giản dị, giúp tôi hiểu rằng: “Trên mọi vật vô tri vô giác, con người chúng ta hoàn toàn có thể vươn tới nấc thang cao hơn của cuộc đời bằng cách sống trung thực với chính bản thân, với gia đình và với xã hội”.