Con tôi học lớp 2 ở Canada, hàng ngày cháu chỉ phải mang theo 3-4 quyển vở mỏng và một quyển lịch, gần giống vở ghi đầu bài của ta. Trong lớp, trẻ em không nhất thiết phải ngồi khoanh tay, thẳng lưng như tôi vẫn từng làm.
Một giờ học của bậc tiểu học ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà
Tôi là một người may mắn được trải nghiệm cả nền giáo dục Việt Nam và phương Tây. Những điều tôi viết ở đây hoàn toàn rút ra từ bản thân và gia đình tôi, chứ không phải nghe nói hoặc đọc được ở đâu đó.
Tôi đang là nghiên cứu sinh ở Montreal, Canada, con trai sống cùng tôi ở đây và đang học lớp 2. Mỗi ngày đi học của cháu là một ngày vui, có bao nhiêu chuyện để kể về trường lớp, bạn bè. Khi đưa con sang, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là gia đình được đoàn tụ, vì khi đó cháu mới 5 tuổi nên tôi chưa thấy lo lắng về chuyện học hành nhiều.
Qua một năm học mẫu giáo ở đây, cháu đã nói được tiếng Pháp. Tôi đã để ý tìm hiểu nền giáo dục ở đây nhiều hơn. Với trẻ con, chúng không phải học quá nhiều kiến thức hàn lâm như chúng ta và con cái ta đã và đang được học nhưng những kiến thức xã hội và kỹ năng sống tối thiểu của con người thì được dạy rất cẩn thận.
Chẳng hạn, các cháu từ mẫu giáo cho đến lớp 5, 6 của bậc tiểu học thường xuyên được đến bể bơi 2-3 lần một tháng tùy lứa tuổi. Mới đầu thì làm quen với nước để không sợ nước nữa, sau thì tự tập bơi với các bạn cùng sự giám sát của các giáo viên, phụ huynh và nhân viên tại bể bơi.
Trường con tôi đang theo học có giờ dạy bơi nghiêm chỉnh. Họ cũng không có bể bơi trong trường mà học sinh được dẫn đến bể bơi của khu vực. Ở nước mình, con gái thành phố hiếm khi biết bơi, may chăng một số gia đình tranh thủ cho con học bơi dịp nghỉ hè. Bạn bè tôi ở đây khá ngạc nhiên khi biết tôi không thể bơi.
Tôi thiết nghĩ, bơi không chỉ là một môn thể thao hay giải trí đơn thuần, mà đó là một kỹ năng cần thiết. Đã có bao nhiêu chuyện đáng tiếc xảy ra chỉ vì không biết bơi. Các cháu còn được dạy nấu ăn từ lớp 2. Nhiều trường một năm vài lần đầu bếp sẽ đến hướng dẫn trẻ chuẩn bị các món ăn đơn giản nhưng có trường trẻ em được tham gia các lớp nấu ăn.
Thử hỏi, ở nước mình, có bao nhiêu phần trăm đàn ông tự nấu nướng hoặc đơn giản là biết làm một số việc bếp núc giúp chị em? Riêng tôi cho rằng, đàn ông Việt Nam rất giỏi giang, có điều chuyện bếp núc gần như mặc định là của phụ nữ nên ở nhà, ít khi mẹ dạy con trai, ở trường học thì gần như không có mục này.
Không học nhiều Văn, Toán… nhưng ở đây các cháu lại được học về các kiến thức rất gần gũi với cuộc sống và hết sức hấp dẫn bọn trẻ như cấu tao cơ thể con người ngay từ mẫu giáo, trẻ được cùng nhau lắp ráp các mô hình bộ phận cơ thể sao cho đúng vị trí. Các bạn nghĩ xem, hiểu biết về cơ thể ngay từ bé có quan trọng không? Ít ra ta có thể đoán được có gì không ổn khi bị đau ở vị trí nào đó.
Chuyện đi học hàng ngày, các cháu chỉ phải mang theo 3-4 quyển vở mỏng và một quyển lịch, gần giống vở ghi đầu bài của ta, bố mẹ cũng có thể liên hệ trao đổi với giáo viên thông qua quyển lịch đó. Hầu như các sách vở khác đều để lại trên lớp, trong ngăn bàn riêng vì không có nhiều bài tập ở nhà nên trẻ không phải đeo nhưng chiếc cặp nặng đến gẫy xương.
Trong lớp học, trẻ em không nhất thiết phải ngồi khoanh tay, thẳng lưng như tôi vẫn từng làm trước đây (tất nhiên vẫn trong khuôn khổ nhất định) nên bọn trẻ không bị gò bó quá. Nhiều trường có những chương trình rất vui và hữu ích, ví dụ như các em được làm ngôi sao của lớp trong một tuần, các em phải chuẩn bị cùng bố mẹ một quyển vở giới thiệu về mình, dán ảnh gia đình, nêu thói quen, sở thích, ước mơ… của mình.
Học lớp 1 mà ai cũng từng được làm một ngôi sao đứng trước lớp để các bạn và cô giáo tha hồ phỏng vấn, trẻ con vừa thích vừa bạo dạn và vô cùng có ích cho công việc tương lai. Cách làm thế này tôi biết một số trường ở Hà Nội đã làm, vậy mà tại sao các trường khác không áp dụng. Khẩu hiệu trong lớp học thì thật giản đơn và thực tế, ví dụ ” Tôi không nói chuyện riêng trong giờ học, tôi lắng nghe và nhìn vào người đang nói với mình”.
Tôi cho rằng đó là những nguyên tắc tối thiểu trong lớp học cũng như trong cuộc sống, trẻ con 6-7 tuổi khó có thể hiểu nổi những khái niệm trừu tượng và to tát. Chuyện họp phụ huynh cũng rất thoải mái, một năm có 2 lần họp, lần đầu thì họp chung cả lớp, còn lần sau thì các phụ huynh sẽ đăng ký giờ để họp riêng với giáo viên chừng 15 phút. Tuy nhiên điều này khó thực hiện ở nước ta, vì sĩ số lớp quá đông.
Giữa tây và ta không chỉ khác nhau nhiều về giáo dục tiểu học. Ở bậc học cao hơn cũng không hề giống nhau. Tôi đang học bậc tiến sỹ. Tôi và nhiều bạn tôi nhận thấy nền giáo dục của mình khác thế giới nhiều quá. Đi du học, vấn đề khó khăn lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ, nhưng không chỉ có thế, kiến thức mà chúng tôi được học không đủ đáp ứng với những đòi hỏi của thế giới. Nhiều khi các kiến thức cơ bản đã được học rồi nhưng khi đụng đến lại không nhớ, phải chăng do chúng ta học gạo?
Tôi vẫn còn nhớ như in nhiều giờ trong trường đại học, thầy giảng, trò chép, khi thi thì phải học thuộc các kiến thức thầy dạy để viết hoặc trả lời vấn đáp. Vượt qua mỗi kỳ thi như vậy nhẹ cả người rồi thì kiến thức cứ theo nhau rơi rụng dần. Tôi rất thích cách học của phương tây, họ không bắt ta học thuộc lòng nhiều (không nhiều nhưng có một số thứ đương nhiên phải nhớ), mà khuyến khích cách tư duy, phải nghĩ để đưa ra ý kiến riêng của mình.
Những kiến thức mà ta đã đọc thì sẽ nhớ rất lâu vì nó thực sự cần thiết cho công việc, hơn nữa ta đã dùng kiến thức đó để giải thích cho một hiện tượng hoặc đưa ra các định hướng chứ không chỉ nhớ để trả bài. Có rất nhiều câu hỏi “Tại sao…”, “Bạn nghĩ như thế nào…” mà các giáo sư đặt ra trong mỗi kỳ thi chứ các câu hỏi về định nghĩa hay khái niệm rất ít thấy.
Tôi không muốn so sánh khập khiễng giữa các bậc học khác nhau, vì chuyện đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam, tôi hiểu rất rõ. Một chị bạn của tôi khi bảo vệ luận án tiến sỹ tại một trường đại học danh tiếng của Hà Nội xong đã nhắn tin cho tôi rằng “xong rồi, mệt quá, chạy lo thủ tục mất mấy tháng, cứ đánh bóng mặt đường suốt ngày, lên Bộ, về trường, đến gặp thầy…”. Chị còn bảo “chán lắm, chả có thêm kiến thức mấy”.
Tôi nghĩ chị bạn tôi là người có tâm nên mới thấy chán. Bản thân tôi cũng đã học đại học và thạc sỹ trong nước, khi nhận tấm bằng cử nhân khoa học tự nhiên, tôi thấy tự hào lắm, còn với tấm băng thạc sỹ, tôi thấy chẳng vui gì. Mặc dù cách đào tạo đại học của ta cũng có nhiều điều tôi thấy chưa thực sự hay như phải học thuộc lòng quá nhiều nhưng dù sao ở nhiều trường đại học lớn như trường tôi, đào tạo cử nhân thực sự nghiêm túc.
Nhưng đến bậc thạc sỹ và tiến sỹ thì cần phải bàn nhiều, đúng là mệt vì lo thủ tục hơn là học tập và nghiên cứu. Trong khi ở các trường nước ngoài, có những người chuyên trách về các thủ tục, bạn không phải lo gì, cần gì thì có thể trao đổi qua e-mail, cứ lo sao có đủ kiến thức để đứng trước hội đồng.
Vì sao nhiều gia đình khá giả ở Việt Nam luôn tìm cách đưa con cái du học, và vì sao nhiều người đã hy sinh bản thân, ở lại xứ người làm thuê để con cái được hưởng nền giáo dục tây phương? Chắc hẳn ai cũng có thể trả lời được.
Những dẫn chứng mà tôi bàn trên đây chỉ để nói lên một điều: Nền giáo dục của chúng ta quá nghiêm khắc với trẻ thơ trong khi luôn làm dễ dàng cho người lớn. Vì vậy tôi mong muốn một sự cải tiến. Hãy cho mầm non của chúng ta được có một cuộc sống của trẻ thơ và hãy nghiêm khắc hơn trong đào tạo sau đại học cũng như các hệ đào tạo tại chức.
Nguyễn Mai (Canada)