Mới 30 tuổi, Nguyễn Phúc Cường một chàng trai vùng đất Hà Giang nghèo khó cùa Việt Nam đã xuất sắc ghi tên mình vào danh sách những chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ điều khiển hệ thống điện thông minh.
Trên trang web của Viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ) bạn sẽ thấy cái tên rất Việt Nam Cuong Phuc Nguyen, Ph.D.
Ngày 31.1.2011, khi vừa 30 tuổi 17 ngày, Nguyễn Phúc Cường đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ về tự động hoá trong điều khiển mạng lưới điện thông minh với số điểm tuyệt đối (4.0) tại Viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ).
Chuyên ngành hẹp về tự động hoá điều khiển hệ thống điện thông minh là lĩnh vực công nghệ còn khá mới mẻ với ngay cả nước Mỹ, có lẽ vì thế mà thành tích nghiên cứu khoa học này của tiến sĩ Phúc Cường được đích thân ông Ali Cinar, Viện trưởng Viện Công nghệ Illinois gửi thư chúc mừng kèm bằng chứng nhận danh dự về thành tích mà ông gọi là “phi thường” và gọi nỗ lực cá nhân trong nghiên cứu khoa học của Phúc Cường là “định mệnh”.
Mốc thời gian này đã chính thức hóa chứng chỉ “công dân toàn cầu” đối với tiến sĩ Nguyễn Phúc Cường. Hơn 4 tháng sau, tiến sĩ Nguyễn Phúc Cường gia nhập Nhóm lập trình phần mềm điều khiển hệ thống điện-nhóm chuyên gia tinh hoa của Hãng thiết bị điện hàng đầu thế giới General Electric.
Trước đó, từ tháng 1.2008 đến tháng 5.2011, Phúc Cường là nghiên cứu sinh và sau đó là nghiên cứu viên sau tiến sĩ ở Viện Công nghệ Illinois về tự động hóa điều khiển mạng lưới điện thông minh (trong khuôn khổ dự án nghiên cứu trị giá 12 triệu USD do Viện này tài trợ). Phúc Cường cũng là thành viên của Tổ chức kỹ sư điện- điện tử Mỹ (IEEE) chuyên ngành Điện và Năng lượng thân thiện từ năm 2004.
Năng lực tiếp thu và tự rèn luyện về toán của Cường giống như là mảnh ruộng nứt nẻ vì hạn hán bỗng gặp mưa rào!
Hơn nửa năm trước, sau khi được giới thiệu và qua một cuộc sát hạch khắc nghiệt ở cấp đỉnh cao về nghề nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Phúc Cường về đầu quân cho Hãng điện lực thông minh New York (New York Smart Grid Consortium) với vị trí Tổng điều độ hệ thống, nhận mức lương 140.000 USD/năm. Một lần nữa “chứng chỉ công dân toàn cầu” lại được xác lập với tiến sĩ Nguyễn Phúc Cường.
Phúc đức tại mẫu…
Năm 2005, Phúc Cường bảo vệ thành công xuất sắc luận văn thạc sĩ tại Đại học Nam Illinois về điều khiển điện và máy tính. Sau đó học chuyển tiếp lên tiến sĩ tại Viện Công nghệ Illinois. Kết quả học tập xuất sắc đến kinh ngạc của Cường tại đây giúp Cường giành danh hiệu Sinh viên đại học cao đẳng xuất sắc nhất toàn nước Mỹ (Who’s Who Among Students in American Universities & Colleges) năm 2007.
Trích ngang của TS Phúc Cường trong báo cáo nghiên cứu trình bày tại Hội nghị thường niên của IEEE năm 2011.
Ông Phúc Vinh từng nói với tôi, “đằng sau sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ”. Bà Lan, mẹ đẻ của Cường là một người phụ nữ phúc hậu, từng có thời được coi là hoa khôi của thị xã Hà Giang, nói rằng, con bé Tâm (vợ Phúc Cường) cũng ngoan hiền và hỗ trợ được Phúc Cường nhiều lắm (Tâm là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, làm tiến sĩ kinh tế ở Anh và nay sang Mỹ làm việc; Phúc Cường và Tâm có một cậu con trai gần 2 tuổi kháu khỉnh tên là Phúc Anh, tên Mỹ là Harry).
Bà Lan là con áp út trong 7 anh chị em của một bà cụ từng làm con nuôi ở Hà Đông rồi đi ở cho một gia đình ở Hà Giang, rồi định cư tại vùng cao này. Bà cụ đã cùng chồng mình một tay khai hoang ở một khu đất đai heo hút cuối thị xã Hà Giang suốt nhiều chục năm để nuôi được cả 7 người con phương trưởng và khá thành đạt, đến nay cụ đã 94 tuổi mà vẫn còn minh mẫn và chưa lúc nào ngơi tay.
Có lẽ tấm gương của bà nội, bà ngoại đã phần nào giúp Phúc Cường phần nghị lực như “định mệnh” ấy. Nhưng có lẽ cũng phải nói rằng, phúc đức tại mẫu-ông bà mình đã dạy thế rồi- nên Phúc Cường luôn có cơ duyên được gặp, được học tập,được hướng dẫn và cùng nghiên cứu với những người thầy xuất sắc.
Phổ thông là thầy Nguyễn Đức Hoàng; đại học là GS Trần Đình Long hướng dẫn luận văn tốt nghiệp (nhiều khóa là Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, một chuyên gia đầu ngành về hệ thống điện ở Việt Nam); làm thạc sĩ là tiến sĩ Morteza Daneshdoost hướng dẫn; làm tiến sĩ được tiến sĩ Alexander Flueck hướng dẫn.
Những người thầy giỏi xuất sắc này đã góp phần giúp Phúc Cường bước chân vào giới tinh hoa của thế giới về điều khiển tự động hóa hệ thống điện thông minh như hiện nay, khi Cường mới ở độ tuổi 30.
Người Việt đã bước vào được giới tinh hoa của thế giới thường “liên tài”, và Phúc Cường đã trở thành thân thiết với những người Việt giỏi giang khác đang sống và làm việc ở Mỹ như GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn, GS Vũ Hà Văn…