Để con có chuyến đi du học tốt nhất

Các bậc cha mẹ – doanh nhân thành đạt có điều kiện hơn để lo cho con và khi giáo dục trong nước còn lắm bất cập thì cho con du học là lựa chọn của nhiều người. Dù các trung tâm tư vấn du học mở ra ngày càng nhiều, thông tin về du học trên internet và các tờ báo không thiếu, nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy lo lắng trước khi cho con du học.

Tọa đàm tháng 9 của DNSGCT hy vọng sẽ phần nào giúp trả lời những câu hỏi đó, với năm vị khách mời: bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, ông Trương Quang Được, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Vũ Thế Dũng, Giám đốc Văn phòng Đào tạo quốc tế – ĐH Bách khoa TP.HCM đại diện cho những người làm công tác giáo dục – du học; ông Nguyễn Tri Bổng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Việt Thiên Lâm, đại diện cho phụ huynh và chị Trần Phương Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Du học sinh TP.HCM, đại diện cho lớp người trẻ đã du học thành tài.

Chuẩn bị tâm lý cho cả cha mẹ và con cái. Nhờ ai tư vấn – tư vấn cho ai? Ở trường, homestay hay thuê ngoài?

Với hơn ba mươi năm công tác trong ngành giáo dục – du học và cũng từng trải nghiệm du học, ông Trương Quang Được mong phụ huynh và con em mình phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ trước khi du học, nhất là du học từ bậc phổ thông. Ông Được nói: “Thay vì được hưởng một tuổi thơ đầm ấm bên người thân, với môi trường quen thuộc, các em phải sống xa nhà, phải học bằng tiếng nước ngoài. Bố mẹ thì tự hào nhưng có thể các em cảm thấy rất khổ sở. Mong muốn con mình có được một nơi học tập tốt, nhưng đôi khi cha mẹ quên mất là liệu con mình có thể sống tự lập được không. Nhiều gia đình rất giàu có, cho con du học Mỹ, Thụy Sĩ nhưng bao năm trời chẳng học hành được gì, vì không chịu học, suốt ngày ăn nhậu, chơi bời. Đừng cho con đi theo trào lưu, khi con mình không muốn và không chuẩn bị tâm thế để du học”.

Ông Nguyễn Tri Bổng có hai con trai du học tại Canada, nhờ theo sát quá trình học tập của các con, ông rút ra được bài học cho mình và – như ông tâm sự – hướng dẫn cho bạn bè đi sau. Đầu tiên, đó là không nên chỉ nghe thông tin tư vấn từ những đơn vị làm dịch vụ này ở Việt Nam. Do có hợp đồng với đối tác nước ngoài nên họ chỉ cung cấp những thông tin tích cực của trường, chứ không cảnh báo những điều có thể gây bất lợi cho học viên.

Tiếp đến, là có rất nhiều trường danh tiếng ở Canada tiếp nhận học sinh quốc tế và nếu học tại nước này ở bậc trung học được ba năm thì sẽ được miễn kiểm tra Anh văn ở bậc đại học, một lợi thế cho những ai muốn được nhận vào các trường đại học hàng đầu và những ngành yêu cầu cao như ngành y… Theo ông Bổng, các đơn vị tư vấn thường giới thiệu những trường có điều kiện nhận du học sinh dễ dàng, như các trường cao đẳng cộng đồng tại Mỹ, nơi người học không cần trình độ Anh văn cao.

Từ chuyện đứa con đầu học xong lớp 12 mới sang Canada, mất năm đầu tiên học Anh văn mà vẫn chưa đủ chuẩn vào đại học (chỉ đủ học cao đẳng), ông Bổng nhận ra rằng chuẩn bị tốt ngoại ngữ cho con là rất quan trọng. Không muốn con học cao đẳng, ông Bổng cho con học thêm một năm ngoại ngữ. Với đứa thứ hai, ông cho học Anh văn từ lớp 6, hết lớp 9 cho qua Canada theo hướng dẫn và chọn trường của đứa thứ nhất, tốt nghiệp trung học con ông nằm trong top 10 của trường, được nhận vào trường đại học mình yêu thích.

Nếu như ông Bổng có kinh nghiệm nhờ con, thì bà Bùi Trân Phượng không chỉ có các con đều du học mà bản thân là nhà giáo dục và từng du học cách nay nửa thế kỷ. Có lẽ vì vậy mà bà thường được người quen nhờ tư vấn. Bà Phượng dí dỏm, vì là tư vấn miễn phí nên những người như ông Bổng và bà không bị tác động bởi quyền lợi “như các đơn vị xưng danh tư vấn nhưng không làm nhiệm vụ tư vấn”.

Dĩ nhiên, cha mẹ rất cần hiểu rõ mọi điều trước khi cho con mình du học, nhưng theo bà Phượng, ý kiến của “chủ thể – người học” phải mang tính quyết định. Chính vì vậy, bà có một nguyên tắc là từ chối tư vấn cho cha mẹ nếu không được gặp trực tiếp người học. Nhiều phụ huynh luôn nghĩ mình biết tất cả tâm tư, nguyện vọng của con nên không cho điều đó là quan trọng. Khi ấy, bà Phượng đành phải “xin lỗi, nhưng anh/chị không phải là người học, cũng không thụ hưởng thành quả của sự học ấy để đi làm và sống với cái nghề đó, nên không thể nhận thay phần tư vấn cho con mình được”.

Bà Phượng nói: “Tôi biết nhiều câu chuyện về du học, thành công lẫn thất bại và tôi rất đau lòng trước sự thất bại có nguyên nhân không phải vì thiếu tiền, mà vì các em thiếu bản lĩnh để sống một cuộc sống tự lập. Được du học là một điều may mắn không dành cho số đông, nên một khi đã cho con mình điều này, cha mẹ cũng nên cho con cơ may được tự lập như những bạn bè nước khác cùng trang lứa. Họ không hẳn đã giàu hơn mình, có những gia đình ở Pháp, Mỹ cũng vất vả lắm mới có tiền cho con học đại học, nhưng phần lớn thanh niên nước ngoài có được sự tự lập mà các bạn trẻ Việt Nam không có. Nếu đã cho tiền bạc mà không cho con sự tự lập, hoặc không hiểu rằng con mình cần nên không chịu cho, là cha mẹ đang làm hại con, giới hạn những trải nghiệm du học mà con mình may mắn có được”.

Có một câu hỏi mà các phụ huynh cũng rất quan tâm, đó là làm sao hiểu và chọn lựa đúng trường phù hợp cho con. Theo chị Trần Phương Ngọc Thảo, trăm nghe không bằng một thấy, nếu đã có điều kiện, phụ huynh nên cho con một chuyến du lịch đến trường mình tính học, để các em tự mình trải nghiệm rồi mới quyết định.

Và một điều cũng rất quan trọng, là phụ huynh không nên có suy nghĩ “đầu tư cho con du học” theo nghĩa sẽ thu lại gì đó trong tương lai. Nên xác định cho con du học cũng như mua một món đồ, con xài xong rồi thôi, chứ không xem là khoản đầu tư, như vậy sẽ tạo sự thoải mái cho cả cha mẹ lẫn con cái. Cha mẹ sẽ không cho con du học nếu vượt quá khả năng, còn con cái sẽ không bị áp lực phải thành công bằng mọi giá để trả nghĩa cha mẹ.

Xã hội hiện đại nhiều cạm bẫy, ở trong nước dù con đã lớn thì cha mẹ vẫn phải đưa đón con đi học hằng ngày, bảo bọc đủ thứ, nên khi con ra nước ngoài một mình, đối mặt với bao “hiểm nguy”, cha mẹ nào mà không lo lắng, sợ con mình hư, mất gốc, sợ con yêu người nước ngoài… Nhưng dù có bảo bọc cách mấy thì cha mẹ cũng không thể giúp con tránh hết được. Chẳng hạn, ở độ tuổi biết yêu, sống trong một môi trường mà người Việt rất ít, các em có yêu người nước ngoài cũng là điều dễ xảy ra.

Trong quá trình học tập ở nước ngoài, việc ở ký túc xá của trường hoặc homestay (nhà của người bản xứ có đăng ký với trường để nhận du học sinh đến ở trọ) cho các em thêm cơ hội được giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, nhưng chi phí khá cao. Hình thức ba bốn du học sinh Việt thuê chung một căn hộ để ở thì rẻ hơn, dù điểm bất lợi là về nhà các em lại dùng tiếng Việt.

Theo ông Trương Quang Được, kinh nghiệm và sự giúp đỡ từ người đi trước là rất quan trọng. Các nước đều có hiệp hội sinh viên, trước khi qua các em nên liên lạc với hội, để được đón về ký túc xá, mua giúp đồ đạc…, có một cộng đồng chăm sóc, đùm bọc nhau sẽ không bị sốc. Có thể học kỳ đầu tiên nên ở ký túc xá của trường, vừa an ninh vừa thuận tiện cho học tập, được giao lưu với sinh viên quốc tế. Khi đã quen với môi trường mới thì thuê nhà ngoài cho rẻ hơn.

Để luôn trợ giúp được con mình khi cần, cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con – một điều rất dễ dàng nhờ sự phát triển của internet. Bà Phượng kể: “Con tôi đi Singapore khi tuổi khá nhỏ, trường học giới thiệu ở homestay, tôi thấy hợp đồng chặt chẽ, các cháu sẽ coi chủ nhà như cha mẹ… nên cũng yên tâm. Sau một thời gian, nhân sắp qua Singapore công tác, tôi nói với con rằng có muốn quà gì không để mẹ đem qua, cháu nói chỉ xin được đổi nhà. Tôi hỏi kỹ và thấy lý do đổi nhà là chính đáng, nhưng nói với cháu rằng mẹ đâu có thời gian nhiều ở đó mà kiếm nhà cho con, thì cháu cho biết đã tự tìm được rồi. Mấy đứa tự lên mạng tìm được một chỗ homestay khác, đã liên hệ xong xuôi, chỉ cần có phụ huynh đứng ra làm thủ tục. Nghĩa là các cháu đã biết tự giải quyết vấn đề của mình. Những sự việc như vậy, theo tôi, là cơ hội giúp các cháu trưởng thành”.

Có nên để con tự quyết định? Thanh niên Việt Nam đã đủ chín chắn chưa?

“Thực ra, du học từ độ tuổi nào, học ở đâu, học như thế nào là tùy vào người đi học, có những điều đúng với người này nhưng không đúng với người khác – bà Phượng lý giải vì sao mỗi khi tư vấn, bà cần gặp trực tiếp người học – Chẳng hạn, trong số các em đang học các trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa…, có em phù hợp với những trường đại học hàn lâm, nhưng cũng có em không. Những em này học trường chuyên chỉ vì cha mẹ “gò” từ nhỏ tới lớn. Những năm học phổ thông đã rất khổ sở, nếu du học các em bị lùa tiếp vào một trường đại học theo ý cha mẹ nữa thì thật bất hạnh. Trong khi nền giáo dục của các nước tiên tiến rất đa dạng, cho phép mỗi người học cơ hội chọn lựa con đường phù hợp”.

Nghe đến đây, ông Bổng thắc mắc: “Một khi con mình đã ở nước ngoài, bố mẹ đâu thể lùa được nữa?”. Bà Phượng lắc đầu: “Tôi biết nhiều trường hợp cha mẹ vẫn tiếp tục lùa lắm. Ngay như con anh, nếu cháu muốn học cao đẳng ngay mà anh nhất định không chịu, thì cháu phải nghe thôi, vì anh vừa là cha, vừa là người trả tiền học. Tôi có chị bạn Việt kiều, con chị ấy sinh ra và lớn lên ở Mỹ, vậy mà cũng bị lùa. Tâm lý người Việt dù sống ở trong nước hay nước ngoài vẫn muốn con mình phải vô trường “top”. Con chị ấy phải vào Harvard. Sau khi tốt nghiệp, cậu ta nói với chị bạn tôi, bằng đại học của con đây, mẹ muốn làm gì thì làm, còn con sẽ làm nghề khác. Rồi cậu ta lập ban nhạc, chơi nhạc jazz,… Chị bạn tôi lúc ấy mới xót xa, không phải vì con không theo con đường mình đã chọn, mà thương cho những năm đày đọa, khổ sở của con mình, học chỉ để báo hiếu cho cha mẹ. Những trường hợp như vậy không hiếm”.

Và một điều nữa, theo bà Phượng, các trường cao đẳng ở nước ngoài không phải là nơi tiếp nhận những người không đủ trình độ học đại học như suy nghĩ của người Việt. Người ta ghi danh học cao đẳng có thể vì học phí rẻ hơn, vì có ngành nghề mình yêu thích, hoặc muốn được thực hành nhiều hơn…, nghĩa là một sự chọn lựa chứ không phải vì không đủ trình độ Anh văn. Vậy nên, hãy để con em mình có điều kiện tiếp cận và chọn được ngành nghề phù hợp nhất. Nếu được giáo dục tốt, đủ vững vàng vượt qua thách thức, thì du học từ mười hai tuổi các em vẫn thành công; ngược lại, thì dù đợi đến hai mươi tuổi đi du học vẫn thất bại. Vấn đề là tuổi tinh thần chứ không phải tuổi sinh lý.

Ông Bổng chưa đồng tình với suy nghĩ “để con chọn lựa” này, nên đặt vấn đề dù con đã chọn hướng đi rồi, thì việc khuyên con nên học ở trường nào, thuộc “top 10” hay “top 1.000”, cũng rất quan trọng: “Trách nhiệm của cha mẹ là làm sao trang bị cho con những gì tốt nhất có thể. Nếu chỉ vì thiếu điểm tiếng Anh mà không vào được đại học, tôi khuyên cháu học thêm một năm tiếng Anh”.

Bà Phượng tán thành, nhưng lưu ý nếu người học chỉ có trình độ phù hợp với trường thuộc “top 1.000” thì phụ huynh không nên ép con mình vào trường “top 10”. Hay nếu con chỉ thích học cao đẳng, cha mẹ vẫn nên tôn trọng.

Như vậy, cha mẹ có nên can thiệp vào suy nghĩ, hành động của con khi con đã mười tám tuổi – lứa tuổi được xem là trưởng thành hay không? Ông Vũ Thế Dũng bày tỏ: “Thực ra, ý của chị Phượng dựa trên giả thiết rằng thanh niên đến tuổi mười tám đều ý thức được mình cần gì, muốn gì và ý thức đó là chín chắn. Còn ý của anh Bổng đại diện cho đa số phụ huynh nhìn vấn đề theo hướng “Liệu con đã chín chắn chưa?”.

M ô hình cởi mở của chị Phượng rất phù hợp với các nước phương Tây – từ bé đến lớn, chúng đã được khuyến khích tự lập, bày tỏ quan điểm… nên mười tám tuổi đa phần đều tự quyết định được hướng đi của mình. Ở Việt Nam, đa số các em được cha mẹ bảo bọc từ nhỏ, quen với chuyện luôn được tư vấn, nên rất nhiều học sinh, sinh viên trên mười tám tuổi chưa hề chín chắn.

Nhiều giảng viên nước ngoài cũng nhận xét rằng sinh viên Việt Nam chưa trưởng thành về mặt xã hội. Cách tiếp cận hợp lý, vì vậy, là chỉ nên cho con quyết định sau khi đã vượt qua các bài kiểm tra về định hướng nghề nghiệp, khả năng thích ứng…”.

Bà Phượng nhắc lại ý của mình là muốn tư vấn cho đúng người đúng việc thì phải lắng nghe các em; nếu các em muốn học một trường nào đó thì thuyết phục phụ huynh đáp ứng cho con, còn nếu các em chưa biết mình muốn gì thì nên cho thêm thời gian chứ đừng “con chưa biết thì đi theo đường của cha mẹ”.

Bà kể câu chuyện về một em có mơ ước được học Trường Nanyang Technological University (NTU) của Singapore, trong khi sức học chỉ bình thường. Biết là một việc rất khó nhưng khi được cha mẹ ủng hộ, em đã rất nỗ lực và rồi đạt được điều mình mơ ước. Ở nước ngoài có những trường mà hai năm đầu sinh viên chưa cần phải chọn ngành học, hoặc chọn rồi mà học thấy không phù hợp vẫn được phép chọn lại.

Hoàn toàn tán đồng việc phải cho người học tự lựa chọn, chị Ngọc Thảo kể câu chuyện em mình: “Em gái tôi mới vào đại học năm nay và dù trước đó nộp đơn cả mười trường thì trong đầu em tôi đã chọn Brown (vùng New England, Đông Bắc Mỹ) – ngôi trường mà sau một vòng tìm hiểu em viết thư về cho gia đình nói rằng “từ khi bước chân đến cổng trường, con đã biết mình thuộc về nơi này”. Trường Brown cho phép sinh viên được học theo sự chọn lựa của mình, không bắt buộc phải học hết bao nhiêu môn mới tốt nghiệp chuyên ngành nào đó. Dường như em tôi đã cảm nhận được sự tương đồng giữa mình với các sinh viên khác và với chính ngôi trường…”.

Đại học liên kết với nước ngoài – sự lựa chọn hợp lý? Nên cho con đi học ở độ tuổi nào? Mua cho con trình độ học vấn hay cả nền văn hóa? Những lợi ích bên ngoài giảng đường.

Học tập tại một trường đại học trong nước liên kết đào tạo với một trường nước ngoài là một hướng đi khá phù hợp với nhiều người, tạo một bước đệm giúp cho sinh viên được học tập bằng tiếng Anh, tiếp cận với phương pháp giảng dạy tiên tiến của nước ngoài với chi phí rẻ hơn nhiều so với du học. Các em có được sự chuẩn bị nghiêm túc, có thời gian để thích nghi với việc học tập ở nước ngoài sau này, đồng thời cha mẹ vẫn tiếp tục theo dõi được con em mình.

Ông Trương Quang Được chỉ lưu ý các phụ huynh nên tìm hiểu xem hai trường liên kết có uy tín hay không, được kiểm định chưa, nên đặt nghi vấn với trường nào không yêu cầu trình độ tiếng Anh, quảng cáo dạy có kèm phiên dịch…

Bà Phượng nói thêm, chương trình có phù hợp hay không vẫn tùy thuộc vào từng người. Khi học ở Việt Nam còn có thầy, bạn bè… quen thuộc, đến khi qua nước ngoài học, bị “quăng” vào một môi trường xa lạ, vấn đề thích nghi lại được đặt ra. Cũng sẽ có người thành công, kẻ thất bại, dù tỷ lệ thành công sẽ cao hơn vì được chuẩn bị dài hơn.

Thực tế, tuổi đi du học càng sớm thì tỷ lệ trở về nước sau khi học xong càng thấp. Bên cạnh yếu tố chủ quan của gia đình người học (muốn ở lại nước ngoài), theo ông Trương Quang Được, còn có nguyên nhân do các em được tiếp cận với lối suy nghĩ và điều kiện sống ở nước ngoài từ nhỏ, nên khi về nước dễ thất vọng vì không được trọng dụng, cảm thấy lạc lõng.

Ông Vũ Thế Dũng chia sẻ, thời gian đầu sau khi về nước cũng cảm thấy khó khăn do mọi thứ không như kỳ vọng. Qua đó, ông Dũng lưu ý khi cho con du học, phụ huynh nên xác định rõ mình muốn mua gì cho con – trình độ học vấn hay cả một nền văn hóa? Nếu tiếp cận theo hướng này, người học cần có khả năng hấp thụ nền văn hóa mới mà không làm mất đi bản sắc văn hóa của mình.

“Mười hai tuổi du học cũng được, nhưng tôi nghĩ là không nên, bởi anh có thể thành công sau này nhưng khó giữ được bản sắc. Tôi học ở nước ngoài 7-8 năm, hiểu rằng mình học văn hóa Mỹ nhưng vẫn yêu văn hóa Việt, học xong vẫn quay về nước vì hiểu được giá trị của mình tại quê hương. Nói vậy để lưu ý “tuổi tinh thần” như chị Phượng đề cập là rất quan trọng và phụ huynh phải biết mình muốn gì, nếu nghĩ cho con học càng sớm càng được học nhiều thứ thì có thể mất cả đứa con, con thành đạt nhưng không còn thuộc về gia đình mình, cộng đồng mình”, ông Dũng chia sẻ.

Cùng quan điểm với bà Phượng là chuyện du học nên tùy thuộc vào người học, chị Trần Phương Ngọc Thảo cho rằng đi du học từ nhỏ có đánh mất mối liên hệ với văn hóa Việt Nam hay không còn tùy vào sự nỗ lực của từng người. Theo chị, việc tiếp nhận văn hóa cũng như nước chảy vào hồ, rồi sẽ có lúc đầy, nên dù ra nước ngoài từ mười lăm tuổi, học từ trung học đến xong tiến sĩ, chị vẫn cảm thấy “hồ nước” của mình khá đầy với văn hóa Việt và luôn xác định là học xong sẽ về nước làm việc.

“Nếu vẫn giữ mối liên hệ tốt với quê nhà, sẽ không có khó khăn trong vấn đề giữ gìn bản sắc hay tái hòa nhập sau khi du học. Hè và Noel nào tôi cũng về Việt Nam, mỗi lần về lại tích cực tham gia các hoạt động xã hội, duy trì các mối quan hệ với người thân, bạn bè…, nên rất dễ dàng hòa nhập với cộng đồng sau nhiều năm du học”.

Chị chia sẻ, sự ưu việt của nền giáo dục các nước tiên tiến không chỉ thể hiện ở những bài giảng mà còn ở rất nhiều hoạt động khác, quan trọng là làm sao tận dụng được điều đó. Ai mới ra nước ngoài cũng phải mất một giai đoạn “bắt nhịp”, nên nếu du học trong giai đoạn phổ thông thì khi lên đại học, các bạn có thể tham gia 100% vào các hoạt động đoàn thể, hiệp hội… Đó là một môi trường rèn luyện rất tốt, sau này nhà tuyển dụng nhìn vào để đánh giá ứng viên một cách toàn diện chứ không chỉ nhìn vào bảng điểm. Lợi ích của việc du học sớm không chỉ ở ngoại ngữ, mà còn là những lợi ích khác đến từ hệ thống giáo dục đặc sắc của xứ người. Vì sao cũng chừng ấy năm học, người ta chọn dạy các môn khoa học ít hơn ở Việt Nam? Học sinh sẽ có thêm thời gian cho việc phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, được tham gia hội nhóm, dành riêng một buổi chiều trong tuần cho thể thao, tổ chức thi đấu giữa các trường, bên cạnh nhiều hoạt động xã hội khác thông qua tôn giáo, đoàn thể…

Những ghi nhận từ sự chia sẻ của năm vị khách mời chủ yếu dành cho các bậc phụ huynh – những người không “thụ hưởng và trải nghiệm” việc du học nhưng lại là người cân nhắc và quyết định bỏ tiền ra mua dịch vụ đó cho con em mình. Hy vọng các bậc phụ huynh sẽ có thêm quyết tâm “cho con một trải nghiệm du học đầy đủ” như mục tiêu của tọa đàm này.

Nhóm liên quan: , ,