Tìm hiểu du học Anh cùng Hoa hậu Mai Phương

Không ồn ào, sau 4 năm du học Quản trị kinh doanh tại Đại học Luton – Anh Quốc, Hoa hậu Việt Nam 2002 Mai Phương đã trở về chính nơi cô sinh ra và lớn lên để lập nghiệp.

Bất ngờ gặp lại Mai Phương tại TP biển Nha Trang vừa qua, nhìn cô có vẻ gầy đi nhiều so với ngày đăng quang.Dù có “già” đi theo năm tháng nhưng Mai Phương vẫn giữ được vẻ tinh nghịch, dí dỏm, yêu đời của cô gái 17 tuổi ngày nào mang trên mình trọng trách của một hoa hậu.

Trở thành khách mời danh dự cho Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 (cùng với 4 cựu hoa hậu khác: Nguyễn Diệu Hoa, Thu Thủy, Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Huyền) là hoạt động duy nhất trong thời gian Mai Phương về nước nghỉ hè. Sau gần 3 năm du học tại Trường Đại học Luton (Anh), Mai Phương đã trút hết “bầu tâm sự” về những ngày tháng du học.

Cảm giác xa nhà quả thật làm cho tôi cảm thấy rất buồn. Từ nhỏ tôi đã quen được mẹ bảo bọc và chăm lo cho đến ngày đi du học. Môi trường mới nhiều lúc khiến tôi cảm thấy thật bỡ ngỡ. Nhưng tôi luôn tự nhủ rằng mình đã có quyết tâm đi học thì phải dẹp qua sự yếu đuối để ba mẹ vui lòng. Rất may là trong thời gian đi học tôi không thấy nản mà mỗi ngày lại thấy thích thú hơn. Thầy cô giáo ở đây giảng dạy rất thú vị. Họ không để cho sinh viên một phút nào thấy chán. Mỗi khi không đến lớp là tôi lại cảm thấy buồn.

Lịch học tập của tôi cũng khá vất vả nhưng không đến nỗi làm tôi phải gầy đi như mọi người vẫn nghĩ. Một tuần tôi học 4 buổi. Thời gian còn lại chủ yếu làm bài luận và viết bài luận có liên quan đến chuyên ngành của mình. Nhìn bên ngoài ai cũng bảo tôi trông hốc hác và ốm đi nhưng số đo và cân nặng cũng không thay đổi nhiều so với ngày đăng quang.

Ngày mới qua, tôi quyết định đi làm thêm ở thư viện và làm ở Văn phòng đối ngoại tại trường nơi tôi theo học (do trường giới thiệu), nhưng sau đó vì sức khỏe và cũng vì dành thời gian cho những học kỳ quan trọng cuối của năm 3 nên tôi không đi làm nữa.

Hiện tại, ngoài số tiền học bổng nhận được nơi trường, dì ruột tôi ở Úc có “tài trợ” cho những khoản chi phí lặt vặt cá nhân. Sau này đi làm rồi tôi sẽ cố gắng “gom góp” giúp lại dì. Thật ra, tôi chỉ tốn kém nhiều ở tiền mua sách, vở và tiền bay đi bay về mỗi kỳ hè. Bởi các khoản ăn, học tập đã có trường lo tất cả.

Thời gian rảnh đối với các du học sinh như chúng tôi quả thật rất quý báu. Tôi cũng như các bạn khác chủ yếu dành nhiều thời gian cho việc lên thư viện đọc sách. Riêng tôi lại thích đi shopping để đầu óc thanh thản. Nói là đi shopping chứ thật sự chỉ để… nhìn ngắm và thư giãn mà thôi, vì giá cả ở Anh rất đắt đỏ nên một du học sinh như tôi không thể nào mua nổi.

Tôi sống ở trong ký túc xá của trường nên cũng không quen nhiều bạn bè dù sinh viên ở đây rất đông. Đến giờ tôi chỉ thân mỗi một cô bạn ở Bắc Kinh – Trung Quốc. Cô ấy rất dễ thương và chúng tôi chơi rất hợp nhau.

Sống ở ký xúc xá, tôi cũng như các bạn gái khác, tự đi chợ nấu ăn. Tôi thường trổ tài cho bạn bè các nước về món gà kho gừng, thịt ninh nhừ, thịt kho Tàu, thịt rán… vào mỗi dịp cuối tuần. Đây là các món “căn bản” mà khi còn ở Việt Nam mẹ đã dạy tôi.

Mặc dù được mẹ bảo bọc từ nhỏ nhưng xa nhà tôi chẳng khi nào… khóc nhè. Khi nhớ ba mẹ thì tôi gọi điện. Thực ra, nếu như đi làm trong mỗi dịp hè sẽ có tiền lo cho mình thêm nhưng do nhớ nhà quá nên đến hè là tôi phải về Việt Nam.

Từ lúc chia tay gia đình đến nay mới đó mà đã hơn 3 năm. Có lẽ tâm lý của ba mẹ tôi cũng giống như tất cả những người làm cha làm mẹ có con đi học xa. Hiểu được sự lo lắng của ba mẹ nên mỗi khi có việc gì vui là tôi lại gọi điện báo ngay cho ba mẹ biết để ông bà an lòng.

Cho đến giờ tôi cũng cảm thấy mình là người khá may mắn vì trong các môn học ở trường tôi đã luôn được điểm tối đa ở bài luận. Ví dụ, bài luận ngoại giao với khách hàng mà tôi thực hiện đã đạt điểm tối đa là 15 điểm. Điều này không chỉ tôi mà cả bố mẹ cũng đều cảm thấy hãnh diện.

Ngoài thời gian chính là học tập, có lẽ cũng nhờ “năng khiếu” làm báo tường từ nhỏ nên hiện tại tôi còn chịu trách nhiệm thông dịch những thông tin trên báo tường của trường ra tiếng Việt rồi đưa lên trang web để các bạn sinh viên VN hiểu rõ hơn.

Về vốn ngoại ngữ mà tôi đã học được sau 3 năm, tôi cảm giác rằng mình viết thì giỏi hơn là nói và môn ngoại ngữ chính mà tôi học tại trường chủ yếu vẫn là tiếng Anh (vì không có thời gian học thêm ngoại ngữ khác). Em trai của tôi hiện nay cũng học tại Anh nhưng khác thành phố. Lâu lâu hai chị em tôi mới có dịp gặp nhau.

Đã có khá nhiều người hỏi tôi rằng, chuyện tình cảm của tôi trong 3 năm học ở… trời Tây thế nào? Bạn tôi còn hỏi chắc là hoa hậu thì được nhiều người “săn đón” lắm nhỉ? Thật ra hoàn toàn không phải như vậy.

Ngày mới qua thì không ai biết đến tôi cả. Bởi khi đi học tôi cứ đội một chiếc mũ xụp xuống tận trán rồi đi vào lớp. Không đi học thì tôi lại lủi thủi lên thư viện cũng với chiếc mũ… lụp xụp ấy. Nhưng sau này khi báo chí viết về tôi thì mọi người mới biết à thì ra tôi là… hoa hậu. Thật ra tôi cũng như bao nhiêu sinh viên khác mà thôi.

Còn về chuyện có “chàng” nào đó làm tôi khó xử thì tôi… chẳng thấy ai. Tôi vẫn quan niệm việc học phải đặt lên hàng đầu. Có bạn trai, có tình yêu cũng tốt nhưng tôi chưa muốn. Tôi không muốn lại làm cho bố mẹ lo lắng bởi tôi chỉ còn một học kỳ nữa là tốt nghiệp. Học xong hãy tính chuyện… yêu.

Tôi đang có thêm một kế hoạch mà “nói trước sợ bước không qua” nhưng tôi sẽ cố gắng dù biết rất khó khăn. Sau khi hoàn thành học kỳ cuối cùng này tại Anh, tôi sẽ sang Úc học tiếp tục lên thạc sĩ. Xa nhà một lần nữa tôi rất buồn nhưng vì muốn lo cho tương lai vững chắc hơn nên tôi lại quyết tâm lần nữa.

Nguồn tin: Thanh Niên

Nhóm liên quan: ,