Tháng 5 vừa qua, tạp chí THE đã công bố danh sách 100 trường đại học tốt nhất thế giới có thời gian thành lập dưới 50 năm.Và vị trí đầu bảng đã thuộc về trường đại học Postech của Hàn Quốc.
Trường đại học Postech của Hàn Quốc
Harvard, Oxford, Cambridge hay Stanford… là những cái tên đã quá quen thuộc trên các bảng xếp hạng (BXH) các trường đại học tốt nhất thế giới hàng năm. Với truyền thống hàng trăm năm cùng những giáo sư danh tiếng, đây rõ ràng là những địa điểm đào tạo uy tín hàng đầu thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là những trường đại học mới được thành lập hoàn toàn lép vế.
Với ý tưởng cho thấy sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các trường được thành lập trong vòng 50 năm trở lại đây, tạp chí uy tín của Anh THE , đơn vị thường xuyên xếp hạng các đại học toàn thế giới 8 năm qua đã quyết định tiến hành xếp hạng 100 trường đại học mới tốt nhất thế giới.
Đại học Pierre et Marie Curie, Paris, Pháp
“Các đại học truyền thống không phải hoàn toàn vượt trội về sự xuất sắc”, Phil Baty, biên tập viên của mảng xếp hạng của THE nói. “Có những ngôi sao mới đang lên sẵn sàng thách thức họ trong việc thu hút những sinh viên tốt nhất cũng như các chương trình đào tạo tốt nhất”.
Và kết quả cho thấy trong khi Anh vẫn chứng tỏ được vị thế là trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới với 20 đại diện thì Mỹ đã có vẻ hụt hơi khi chỉ có 9 trường trong Tốp 100. Có tổng cộng 30 quốc gia có đại diện trong danh sách này, bao gồm Canada, Pháp, Ai-len, Brazil, Malaysia, Ai Cập…
Đại học Khoa học và công nghệ Pohang của Hàn Quốc
Vị trí số 1 thuộc về đại học Khoa học và công nghệ Pohang của Hàn Quốc. Đơn vị đào tạo này mới chỉ 26 năm tuổi nhưng theo THE , Postech đang bứt lên nhanh chóng nhờ sự đầu tư tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn thép POSCO. Chính CEO của tập đoàn này Tae-Joon Park là người sáng lập trường và định hướng mô hình hoạt động theo Viện công nghệ California của Mỹ. Từ năm 2010, Postech tiến hành giảng dạy song ngữ và hầu hết các khóa học đều bằng tiếng Anh.
Khác với các tạp chí thường xếp hạng các trường đại học như U.S. News & World Report hay Forbes , THE không dựa trên các chỉ tiêu như: yêu cầu về tuyển sinh, tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ giáo sư/sinh viên hay lương của các cựu sinh viên. Thay vào đó THE chú trọng nhiều hơn đến các học bổng toàn cầu và danh tiếng của các trường.
THE thu thập các dữ liệu như: số lần trường được trích dẫn trong các nghiên cứu học thuật, ảnh hưởng của các trích dẫn này tới các nghiên cứu khác và doanh thu, danh tiếng và số lượng nghiên cứu mà trường đó thực hiện.