Những người có kế hoạch du học, đặc biệt là tự túc có lẽ điều quan tâm nhất là các khoản chi phí cần chuẩn bị trong thời gian học tập và sinh sống. Bài toán hóc búa nhất làm sao để tiết kiệm chi tiêu ở mức có thể?
Cuộc sống du học với bao nhiêu vất vả và lo toan. Sự lo lắng không chỉ ở vấn đề học tập mà còn làm sao để đảm bảo cuộc sống nơi xứ người. Với mỗi nước, từng thành phố, theo từng khu vực và tùy thuộc vào từng loại hình trường công, tư mức chi phí học tập và sinh hoạt sẽ khác nhau.
Trên thực tế, những năm gầy đây, xu hướng học nước ngoài của người Việt khá lớn. Tuy nhiên, số lượng du học thông qua sự hỗ trợ tài chính từ học bổng của Chính phủ và một số tổ chức hợp tác quốc tế là không nhiều; mà phần đông là du học tự túc. Thống kê gần đây cho thấy, chi phí giáo dục ở một số trường đại học ở Mỹ, Canada, Úc, Anh… khá lớn đối với những người đi học bằng tiền của chính mình hoặc qua sự hỗ trợ của gia đình.
Ở Mỹ, tổng chi phí cho mỗi năm học dao động từ 40.000 USD/năm tới 100.000 USD/năm (832 triệu – 2 tỷ đồng) tùy từng khu vực. Tại Anh, ước tính trung bình 6.000 – 9.000 bảng Anh/năm học (200 triệu – 300 triệu đồng). Ở Canada chi phí học tập và sinh hoạt phí không thể thấp hơn từ 10.000-14.000 CAD/năm học (200 triệu – 300 triệu đồng). Tại Trung Quốc, điển hình như trường đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung, Vũ Hán, Hồ Bắc, mức học phí đối với chuyên ngành Khoa học Xã hội bậc đại học là 15.700 tệ (71 triệu đồng), thạc sĩ là 18.000 tệ/năm (59 triệu đồng). Với chuyên ngành Khoa học Tự nhiên là 27.000 tệ (89 triệu đồng); thạc sỹ là 27.000 tệ.
Tiết kiệm chi phí luôn là “bài toán” mà các du học sinh phải canh cánh trong lòng
(ảnh minh họa: Oka-Vina, du học sinh VN tại Nhật)
Bạn Võ Mạnh Hà, du học sinh khoa tiếng Trung tại đây cho biết, nếu tính theo mức thu nhập của Việt Nam là khá đắt. Mức học phí này nếu so với các trường tại Trung Quốc là tương đương nhưng về chuyên ngành Khoa học tự nhiên lại là tương đối cao. Ngoài việc đóng học phí, nhiều trường còn có thể yêu cầu du học sinh đóng thêm một số lệ phí khác như lệ phí sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, sách vở…
Tuy rằng chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào chi tiêu của từng cá nhân, nhưng theo lời khuyên của nhiều người đã và đang du học thì ngoài việc lựa chọn trường, ngành học đáp ứng yêu cầu cũng nên tham khảo về chi phí học, chi phí sinh hoạt tại nơi đến học.
Nếu du học theo học bổng bạn sẽ không phải lo nhiều tới chi phí học, ăn ở. Nhưng nếu du học tự túc, con số chi phí này quả là không nhỏ khi phải giải quyết cùng lúc cho các chi phí về học tập, chỗ ở, ăn uống, quần áo, giải trí, điện thoại, di chuyển… thậm chí là cả chi phí du lịch.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, bạn Võ Mạnh Hà nói, để giảm bớt những chi phí trong quá trình học tập những du học sinh như bọn mình cố gắng tiết giảm đến mức có thể. Như việc lựa chọn nơi ở chẳng hạn, nếu bạn nào ở kí túc xá của lưu học sinh thì sẽ đỡ hơn nhưng nếu lựa chọn ở ngoài (homestay) thì nên tính toán lựa chọn sao gần nhất hay thuận tiện nhất cho việc đến trường.
Bạn Ngọc Trâm, cựu du học sinh ở Mỹ chia sẻ: “Nhiều du học sinh sau khi tới nơi học, làm xong các thủ tục nhập học mới làm quen với các bạn để biết thông tin. Nhưng hiện nay, nhờ có mạng xã hội các bạn trước khi chuẩn bị đi du học hoàn toàn có thể tham khảo các thông tin về nơi mình đến trên các diễn đàn, các hội sinh viên ở tại các nước đó.”
Ngoài ra, theo nhiều kinh nghiệm, các bạn cũng có thể giảm chi phí bằng việc sử dụng thẻ giảm giá, tiết kiệm tiền mua sách giáo khoa và dụng cụ học tập bằng cách ở mượn thư viện ở trường. Thậm chí có thể mua lại các sách đã dùng với giá rẻ tại các cửa hàng hoặc các hãng sách dùng lại trên website như abebooks, jscampus, sellstudentstuff, và cả trên Amazon hay eBay…
Có rất nhiều cách để các bạn tiết giảm chi phí trong quá trình du học nhưng hơn hết, để chi tiêu hợp lý, bạn nên ghi lại tất cả nguồn tiền mình có và tất cả những việc bạn phải chi tiêu. Sau đó có kế hoạch cụ thể và chi phí hợp lý. Chỉ khi nhận thức rõ về những khoản phải chi tiêu mới giúp phân loại thứ tự chi tiêu và tìm cách để tiết kiệm.
Theo Kenh14