Với nhiều ứng viên MBA, phản ứng đầu tiên khi biết tin mình đã vượt qua được vòng xét tuyển bài luận, lọt vào vòng phỏng vấn thường chỉ là niềm vui hân hoan. Thế nhưng hầu hết các trường kinh doanh hàng đầu hiện nay sẽ chưa công nhận bất kỳ ai trúng tuyển nếu người đó chưa qua vòng phỏng vấn. Vậy nên bạn cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho khâu quan trọng này. Sau đây là một số điều thí sinh cần lưu ý.
1. Làm quen với phương pháp phỏng vấn của chương trình
Các buổi phỏng vấn xét tuyển MBA không hề có khuôn mẫu chung. Do đó việc tìm hiểu và làm quen với loại câu hỏi bạn có thể phải đối diện cũng như cách thức người phỏng vấn đặt vấn đề là rất quan trọng.
Ví dụ như trường Kinh doanh Harvard sẽ hỏi bạn một số câu về các mục tiêu trong tương lai và phong thái trực diện, dồn dập của trường này sẽ kiểm tra khả năng phản ứng của bạn trước áp lực. Trong khi đó một nhà phỏng vấn của Stanford thường quan tâm nhiều hơn đến những hành động bạn đã từng thực hiện trong những tình huống cụ thể và sẽ luôn cố tạo cho bạn cảm giác thoải mái.
Nếu có thời gian, hãy ghé thăm website và blog tuyển sinh của trường bạn đang ứng tuyển và tìm kiếm càng nhiều thông tin về quá trình phỏng vấn càng tốt. Bạn sẽ thấy một số trường rất rõ ràng về những gì sẽ diễn ra trong khi những trường khác lại “giấu bài”. Dù sao thì trên mạng cũng có vô số nguồn để giúp bạn có thể tìm hiểu về quá trình phỏng vấn.
2. Xây dựng câu chuyện, khẳng định sự phù hợp
Sau khi đã nắm được một số thông tin nhất định về cách thức phỏng vấn của khóa học, bước tiếp theo bạn nên làm là nghĩ xem mình sẽ nói gì trong thời gian phỏng vấn. Nhiệm vụ mấu chốt của bạn là khiến người phỏng vấn không nghi ngờ về sự phù hợp của bạn với chương trình này. Nếu trường đó nhấn mạnh vào óc kinh doanh, bạn nên nghĩ đến một số ví dụ có thể nêu bật sự sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro một cách khôn ngoan của mình.
Hầu hết các chương trình MBA sẽ đưa ra những câu hỏi đề nghị bạn chia sẻ kinh nghiệm thực tế (ví dụ như: hãy kể cho tôi về thời gian bạn làm việc với một đồng nghiệp khó chịu). Vậy nên hãy chuẩn bị cho mình sẵn những câu chuyện phù hợp. Đừng chỉ chăm chăm dựa vào những gì mình đã viết trong bài luận. Trong một số trường hợp người phỏng vấn đã đọc qua nó và bài luận của bạn có thể không phù hợp với câu hỏi được đưa ra.
3. Luyện tập trước buổi phỏng vấn
Trước buổi phỏng vấn, hãy dành thời gian để luyện tập với các câu chuyện mình định kế. Bạn có thể làm việc này một mình khi đứng trước gương hoặc có thể nhờ vợ, chồng hay một người bạn thân tiến hành một buổi phỏng vấn mô phỏng.
Câu chuyện bạn kể càng trôi chảy, bạn càng cảm thấy bớt áp lực hơn trong buổi phỏng vấn. Ngoài ra, cũng cần nhớ rằng buổi phỏng vấn kéo dài 30 phút tới 1 tiếng. Vậy nên nếu câu chuyện của bạn chỉ kéo dài 10 phút thì có vẻ như nó vẫn chưa được chuẩn bị chu đáo.
Cuối cùng hãy xem buổi phỏng vấn này cũng giống như một buổi phỏng vấn xin việc. Hãy ăn mặc chỉnh tề, mang kèm theo vài bản sơ yếu lý lịch và những thứ tương tự. Đừng quên chuẩn bị câu hỏi để hỏi lại người phỏng vấn bởi hầu như chắc chắn bạn sẽ có cơ hội làm vậy. Đây chính là dịp tốt để biết được ý kiến của người trong cuộc về chương trình đào tạo bạn đang muốn tham dự, nhất là khi người phỏng vấn bạn là một cựu sinh viên.
Hãy nhớ rằng bạn không chỉ chứng tỏ mình phù hợp với chương trình mà cũng cần đảm bảo chương trình thực sự phù hợp với bạn.