Khó khăn của du học sinh khi bước chân ra nước ngoài không chỉ là “sốc” văn hóa mà còn là chuyện ăn, ở. Không chỉ phức tạp ở “miếng ăn” nơi xứ Tây, chuyện mướn nhà của du học sinh cũng “éo le” nếu không nắm đầy đủ thông tin, dễ tin kẻ xấu…
“I can cook”
Lúc ở Việt Nam, hầu như chúng mình đều có cha mẹ “cơm bưng tận miệng nước rót tận mồm”. Nếu chán cơm nhà thì có vô số nhà hàng, quán ăn hợp khẩu vị chọn lựa.
Nhưng khi sang xứ người, những món ăn nóng hổi, đậm đà hương vị Việt chỉ đến trong những giấc mơ. Ban đầu, bạn mà ngại xuống bếp thì ăn tạm ở căn-tin với vô số các món ăn nhanh như hamburger, hot dog, khoai tây chiên… nhưng loại thức ăn nhanh này ngán, dễ tăng cân và không có lợi cho sức khỏe. Sinh viên ở khu có đông người Việt có nhiều chọn lựa hơn với nhiều món ăn Việt hoặc phở, song nếu lợi thế này được phát huy tối đa sẽ dẫn đến bệnh “viêm màng túi”. Do vậy, sớm hay muộn, việc lăn vô bếp không thể tránh khỏi.
Đầu tiên, du học sinh phải học cách đi chợ, tính toán sao cho chi tiêu hợp lý, càng ngon, bổ, rẻ càng tốt. Như anh chàng tên Dung, nghiên cứu sinh ở Boston sau vài tháng quen tay “lựa hàng” đã biết cách chọn thực phẩm ngon, dở và là tín đồ thường xuyên coi báo để canh coupon giảm giá. Bởi ở Mỹ, các siêu thị thường có nhiều đồ giảm giá từ 50 – 70% vào cuối tuần.
Hầu hết các bạn đi xa nhà, sau một thời gian lo chuyện ăn uống, nhắm mắt lại cũng có thể nói đúng vanh vách giá thịt gà, thịt đùi, sườn heo non, khoai tây, cà chua, trứng, sữa… Bạn Thảo Vân, Đại học cộng đồng Houston, Texas cho biết: “Nếu biết cách đi chợ, chỉ cần 100 USD trong túi, đảm bảo du học sinh có thể ăn ngày ba bữa no và ngon trong một tháng”.
Đi chợ rành cũng đồng nghĩa với nấu nướng ngày càng “lên tay”. Đa số các bạn học sinh đều tự hào vỗ ngực “I can cook”. Tuy nhiên, do vừa đi học, vừa tranh thủ làm part time (đặc biệt du học sinh nhận học bổng càng phải chăm chỉ học hơn, chỉ cần điểm tổng kết mỗi năm không đạt, coi như năm sau sẽ mất học bổng), cho nên hầu hết sinh viên xa nhà không còn sức để “lăn” vào bếp hằng ngày.
Mướn nhà, lắm cạm bẫy!
Để an cư, các bạn thường có ba sự chọn lựa: sống ở ký túc xá của trường (dorm), sống cùng nhà với người địa phương (homestay) hoặc mướn căn hộ (apartment).
Bạn Nguyên Lam, Mỹ phân tích: Đa số du học sinh thường thích mướn căn hộ hơn vì có thể tự do nấu nướng, rẻ hơn và lâu dài hơn.
Ở dorm tuy có đầy đủ dịch vụ nhưng nội quy nghiêm khắc bó buộc. Mặt khác, mỗi năm học du học sinh đều phải đăng ký và nhận bạn cùng phòng (roommate) mới. Mỗi kỳ nghỉ lễ Tạ ơn (Thanksgiving), nghỉ Đông (Winter break), lễ Phục sinh (Easter) trường đóng cửa, khi ấy du học sinh thường không có chỗ ở, phải đi mướn khách sạn hoặc ở ké bạn bè, rất bất tiện.
Đó là chưa kể đến hè sinh viên lại phải dọn hết ra ngoài. Tiền học có thể không mắc, nhưng tiền ở dorm không chỉ mắc cực kỳ mà sinh viên thường bị bắt buộc phải mua phần ăn trong trường cũng rất đắt lại không hợp khẩu vị. Tuy nhiên, ở dorm là cách tốt nhất để tiếp cận văn hóa bản xứ.
Sinh viên thường được trường xếp ở với người học chung ngành, chung cấp lớp nên việc kết bạn tương đối dễ dàng. Một số trường bắt du học sinh ở dorm trong hai năm đầu tiên, với rất nhiều hoạt động dành cho du học sinh ở lại trường nên nếu “bị” bắt ở dorm cũng không phải là điều tệ hại.
Ở Mỹ thường có câu nói: Du học sinh phải sống ở trong dorm mới đúng là học đại học. Sống cùng với các sinh viên quốc tế là môi trường rất tốt giúp sinh viên Việt nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, đồng thời cải thiện khả năng tiếng Anh.
Homestay (trong nhà của người bản xứ) cũng là một cách sống phổ biến của du học sinh, đặc biệt du học sinh mới đến. Tuy có chỗ ở tốt, giá cả hợp túi tiền (điện, nước, Internet thường được bao luôn, giá từ 300 – 650 USD/tháng), được ăn uống ngon lành nhưng sinh hoạt ở homestay cũng gần giống như ở dorm khiến du học sinh cảm thấy mất tự do.
Trường hợp mướn căn hộ ở ngoài (một phòng riêng, nhà bếp, phòng tắm) có giá tương đối cao hơn là ở homestay. Tùy vùng, tùy bang, giá apartment từ 450 – 1.000 USD/tháng, chưa kể điện, nước, Internet. Để “hạ giá thành”, du học sinh thường dán thông báo tìm người hùn tiền mướn căn hộ, chủ động tìm người phù hợp ở cùng.
Nếu rủi ro người ở cùng không hợp tính, hợp cách sinh hoạt dễ dẫn đến “đôi ngả chia ly”, thậm chí phải vô cớ vào tù hoặc gặp chủ nhà không đàng hoàng mất tiền lãng xẹt:(
K, học Đại học cộng đồng Edmonds (Seattle, bang Washington) thuê phòng ở chung với một cô gái Ấn Độ và một anh chàng Tây Ban Nha. Hai anh chị này cặp với nhau, cuối tuần nào cũng mở tiệc, gọi bạn bè về ăn uống, nhảy nhót ồn ào.
Đã nhắc nhiều lần vẫn “huề vốn”, K. tức mình chửi thề. Chỉ thế thôi, cô Ấn Độ gọi 911 nói rằng anh bạn Việt… quấy rối tình dục và anh bồ cô đứng ra làm chứng. Ngay lập tức, K. bị mời về đồn cảnh sát ngủ và lĩnh giấy ra tòa, phải tốn gần 4.000 USD để thuê luật sư.
Nơi nào cũng có người tốt, kẻ xấu, du học sinh ở xứ lạ quê người cần cẩn trọng cả lời ăn tiếng nói cũng như cẩn thận khi mướn nhà. Phương Thảo, du học sinh ở Úc chia sẻ kinh nghiệm mướn nhà: “Có lần bà chủ nhà còn đưa cả passport, giấy tờ nhà, bảng hợp đồng có chữ ký của luật sư cho tôi xem. Nhưng, tôi thử search tên bà trên google thì phát hiện ra bà là kẻ lừa đảo, chuyên lấy passport của người khác dụ “con mồi” mướn nhà, khi nhận được tiền là “đánh bài chuồn”.
Để giúp các bạn mới qua không bị rơi vào “bẫy nhà”, Hội Sinh viên Việt ở Melbourne, Úc đã lập ra “danh sách đen” khuyến cáo đồng hương không nên ở một số con đường mất an ninh, phải tìm hiểu kỹ căn hộ trước khi giao tiền cọc.