Theo xếp hạng của The Times năm 2007, đây là viện đại học tốt nhất Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Viện Đại học Oxford là một trong những viện đại học danh tiếng nhất thế giới. Trường đã có 48 người đạt Giải Nobel trên cương vị các cựu sinh viên,các giáo sư giảng dạy.
Lịch sử
Viện Đại học Oxford là viện đại học đầu tiên thành lập ở Anh vào khoảng thế kỷ 13. Niên đại chính xác không rõ nhưng sử ghi là năm 1201 có tuyển vị viện trưởng (chancellor) đầu tiên. Năm 1231 thì universitas được công nhận là một công hội với một công ước riêng.
Viện Ðại học Oxford thành lập với mục đích chính là đào tạo tu sĩ và linh mục cho Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Nhiều dòng tu như dòng Đa Minh,dòng Phanxicô, và dòng Carmel tụ tập gần trường, cung cấp chỗ ở cho các tu sinh trọ học. Mục đích đào tạo tu sĩ được theo đuổi cho đến khi phong trào Kháng cách nổi lên vào thế kỷ 16 thì truyền thống giáo dục ở Oxford mới đổi hướng.
Hiện nay đại học Oxford có cả thảy 45 trường độc lập. Có trường lớn như Trinity College, Christ Church, Merton College và có trường nhỏ thì gọi là Hall chẳng hạn như St Edmund’s Hall….Oxford vẫn là nơi đào tạo các tu sĩ nam nữ và linh mục. Các sinh viên tại đây thường các giám mục Anh giáo nhắc nhở rằng: học hành không chỉ để giúp tìm nghề nghiệp nhưng qua học hành chúng ta thấy được ý nghĩa và chân giá trị của cuộc sống con người.
Cấu trúc tổ chức
Đại học Oxford là dạng đại học gồm nhiều trường hợp lại, có thể xem như là một liên hiệp gồm 39 trường đại học “con” (college) và 7 “trường tư” (hall), các trường này đều tự quản, nhưng có một bộ phận quản lí chung đứng đầu bởi Phó Giám đốc.
Các khoa chuyên ngành cũng nằm tập trung trong cơ quan này mà không lệ thuộc vào bất kì một trường nào cả. Các bộ môn tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ giảng dạy, tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo. Chương trình học và giáo án chung cũng do bộ môn tự biên soạn. Các trường con sẽ dựa vào đó mà tổ chức dạy cho sinh viên. Các thành viên của một bộ môn làm việc ở các trường khác nhau. Tuy rằng một số trường có môn thế mạnh của mình, nhưng nhìn chung các trường có rất nhiều ngành học chuyên môn.
Cấp quản lí trung ương
Đứng đầu trường là hiệu trưởng, nhưng cũng như các trường đại học Anh quốc khác, chức vụ hiệu trưởng chỉ là chức vụ danh nghĩa, hiệu trưởng được bầu bởi hội đồng trường đại học, là tổ chức gồm tất cả các thành viên đã tốt nghiệp của trường, và giữ chức vụ cả đời. Hiệu trưởng không trực tiếp quản lí công việc của trường.
Người đứng đầu thực sự là phó hiệu trưởng, dưới phó hiệu trưởng là 5 phó khác phụ trách các mảng công việc riêng như: giáo vụ, nghiên cứu, kế hoạch và cơ sở vật chất, phát triển và đối ngoại, nhân sự.
Hội đồng trường đại học là cơ quan bao gồm phó hiệu trưởng, các trưởng khoa và các thành viên khác được bầu bởi đại hội đồng trường, và có quan sát viên của hội sinh viên.
Đại hội đồng trường bao gồm 3700 thành viên của trường gồm cả thành phần học thuật và thành phần quản lí, hành chính.
Đại hội đồng có quyền hạn thảo luận và thông báo các quy định, chính sách được hội đồng đề xuất. Trường Oxford cũng như Cambridge là những trường duy nhất có cách thức quản lí dân chủ độc đáo này.
Hai tổng giám thị được bầu luân phiên hàng năm từ hai trong số các trường thành viên chịu trách nhiệm quản lí các ngành ở cấp đại học. Tất cả các giáo sư của trường được gọi là các giáo sư biên chế của trường đại học Oxford. Những người này rất có ảnh hưởng đối với chương trình sau đại học.
Các khoa, bộ môn, viện nghiên cứu được tổ chức thành 4 phân ban, có người đứng đầu riêng và có bộ máy riêng được tạo ra bằng bầu cử. Đó là phân ban nhân văn, phân ban khoa học xã hội, phân ban toán lí và khoa học về sự sống, phân ban y khoa.
Trường thành viên
Các trường thành viên của đại học Oxford đều có cấu trúc và hoạt động riêng. Tất cả các học viên và phần lớn các giáo sư đều trực thuộc một trường nào đấy. Người đứng đầu một trường này có nhiều tên gọi khác nhau tùy vào mỗi trường như warden, provost, principal, president, rector, master, dean.
Các trường này tổ chức Hội nghị các trường để thảo luận công việc và giải quyết các vấn đề quản lí chung.
Các trường này ngoài việc tạo điều kiện ăn ở cho sinh viên còn tổ chức các hoạt động văn hóa xã hội, nghỉ ngơi giải trí cho các học viên. Các trường cũng tự nhận sinh viên hệ đại học và tổ chức dạy học. Hệ sau đại học thì thuộc về trách nhiệm của bộ môn.
Giảng dạy và bằng cấp
Việc dạy học của hệ đại học chủ yếu là học theo kiểu phụ đạo, trong đó mỗi giáo sư phụ trách từ 1 đến 4 học viên làm việc hàng tuần khoảng 1 giờ tùy thuộc vào ngành học mà nội dung buổi học là về một bài luận hoặc bài tập.
Mỗi tuần sinh viên thường có khoảng 2 buổi học kiểu này, các giáo sư có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của môn học hoặc lĩnh vực chuyên môn, có thể đến từ các trường khác trong đại học Oxford. Ngoài ra sinh viên còn học bổ sung bằng các buổi nghe giảng, lên lớp, hội thảo được tổ chức theo chuẩn của bộ môn.
Các học viên sau đại học thì thường được hướng dẫn thông qua các buổi lên lớp và các hội thảo, nhưng tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu cá nhân.
Trường đại học chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc thi và cấp bằng. Để đạt văn bằng cấp độ 1 học viên phải vượt qua 2 kì thi. Kì thi thứ nhất gọi là kì thi sơ khảo thường tổ chức vào cuối năm học thứ nhất hoặc sau 2 học kì đối với học viên ngành luật, 5 học kì đối với các ngành nhân văn cổ điển. Kì thi thứ hai tổ chức vào cuối khóa học.
Các thí sinh sẽ nhận bằng danh dự hạng nhất, hạng hai hoặc hạng ba tùy theo kết quả của kì thi này. Trường cũng cấp văn bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở tất cả các môn nào có giảng dạy ở bậc đại học.
Năm học
Mỗi năm học được chia ra 3 học kì căn cứ theo nội quy trường: học kì Michaelmas từ tháng 10 đến tháng 12, học kì Hilary từ tháng 1 đến tháng 3, học kì Trinity từ tháng 4 đến tháng 6.
Trong các học kì đó, hội đồng trường sẽ quyết định mỗi năm sẽ có 8 tuần gọi là Full Terms, là thời gian dạy cho cấp đại học, thời gian 8 tuần là ngắn hơn nhiều so với các trường đại học Anh quốc khác, do vậy học viên buộc phải học rất nhiều trong các kì nghỉ (Giáng sinh, Easter và kì nghỉ dài).
Thời gian trong học kì được xác định dựa vào thời điểm bắt đầu học kì, tức là tuần bắt đầu của Full Terms gọi là tuần thứ nhất, tuần kết thúc là tuần thứ tám.