Phan Huỳnh Du, Chu Thùy Linh và Quang Thùy Vy – 3 bạn trẻ không hẹn mà gặp cùng “trốn” cái lạnh của mùa đông nước Úc về Việt Nam đón những ngày hè rực nắng. Các bạn ý về nước lần này không phải là nghỉ đông hay đi chơi mà trong nhiệm vụ mới Nhiệm vụ cũng rất khả thi đó là: Làm đại sứ truyền thông cho Sở Giáo dục bang New South Wales, Australia.
New South Wales, Australia luôn rộng mở ra cơ hội học tập, trải nghiệm với tất cả các bạn trẻ
Bằng những câu chuyện thú vị kể về chặng đường học tập và trưởng thành của mình tại Australia, các bạn đã mở ra trước mắt bạn đọc báo Hoa Học Trò một không gian giáo dục đầy tính khám phá và những trải nghiệm không thể nào quên.
Làm sao vượt qua rào cản ngoại ngữ?
Tớ sang Australia học từ cuối năm lớp 8, và đó cũng là lần đầu tiên một mình đi đến nơi xa lạ. Trước khi đi, phải nó là tớ ôm một cục “lo” to đùng: hòa nhập thế nào, ăn uống ra sao, tiếng tăm cũng không thực sự xuất sắc nữa… Nói đến tiếng Anh, mặc dù khi còn ở nhà, tớ thấy mình cũng tàm tạm, nhưng chỉ khi sang đến nơi, tớ mới cảm nhận được sự khác biệt giữa “học trên lý thuyết và thực hành tiếng hàng ngày”.
Học tiếng Anh ở nhà là học ngữ pháp, học từ vựng, học mẫu câu để đưa ra một câu văn hay, một bài luận giỏi. Tuy nhiên, khi nói tiếng Anh, bạn không những phải lắng nghe và trả lời trong vài giây, mà còn phải ứng dụng tất cả những gì mình đã học để cuộc đối thoại trở nên có ý nghĩa. Khi mới sang, mỗi lần nói là mỗi lần bối rối, vì thì hiện tại với tương lai và quá khứ cứ khiến đầu mình loạn cả lên.
Thôi thì cái khó ló cái khôn. Mỗi khi trò chuyện với các bạn, tớ thường dùng mẹo nói chậm và phản ứng chầm chậm thôi, vì lúc ấy sợ nhất là khi nói sai sẽ bị cười chê. Thật may mắn cho tớ khi có những người bạn rất tốt bụng, họ sẵn sàng chỉ dạy tận tình. Tớ trở nên mạnh dạn hơn, và sai sót cũng bớt dần đi. Kinh nghiệm của tớ là trong giao tiếp, quan trọng nhất là phải cởi mở, tự tin thì mới có thể tiến bộ. Bây giờ thì tớ “bắn” tiếng Anh rất là trôi chảy, thậm chí nhanh nữa là khác…
Trường tớ là một gia đình
Tuy học được nhiều thứ từ bạn bè nhưng vai trò của nhà trường cũng không thể phủ nhận. Trường Kogarah (Sydney, NSW) tớ theo học là một ngôi trường đẹp và rộng lớn, có rất nhiều thiễt bị hỗ trợ giảng dạy như máy tính, máy chiếu phim, dụng cụ thí nghiệm, thư viện.
Tất cả khiến việc học tập trở nên rất thú vị và tiện nghi. Mỗi khi đến một môn khác là bọn tớ lại đi từ khu này sang khu khác, trên đường lại thỉnh thoảng dừng lại “tám” chuyện với bạn bè. Lúc đầu còn đi lạc sau vài tuần đã quen và đến lượt mình chỉ đường cho các em lớp 7.
Một điểm rất khác biệt giữa giáo dục ở Australia và Việt Nam là việc học luôn luôn đi đôi với hành. Không chỉ cho những môn tự nhiên mà ngay cả với môn xã hội. Tớ còn nhớ rất rõ năm lớp 10, khi học tác phẩm Romeo và Juliet của Shakespeare, cả lớp cảm thấy thật là khó hiểu. Bạn nào đã đọc nguyên văn tiếng Anh sẽ biết vở kịch được viết theo lối tiếng Anh thế kỉ thứ 16 với bối cảnh và cách hành văn khá xa lạ với thời nay. Cô giáo chúng tớ có cách ngay: cô cắt ngắn vở kịch xuống còn nửa tiếng và cho mọi người diễn vở kịch này. Để thêm phần hào hứng, chúng tớ đổi giới tính trong vai diễn luôn. Nam thì thử váy nữ thì tóc giả dài dài, vừa vui vẻ, vừa hoành tráng.
Vở kịch tự biên tự diễn ấy đã khiến tụi tớ cảm thấy kịch Shakespeare trở nên thú vị hơn rất nhiều. Từ đó, chúng tớ bắt đầu đọc những vở khác và thường xuyên xem những bộ phim và kịch để củng cố sự hiểu biết của mình.
Dần dần, bản thân cũng cảm nhận được những lời dạy, triết lí mà không cần ai nhắc (là một người thiên về tự nhiên, đây là một điều tớ không ngờ tới).
Kinh nghiệm của tớ là, đã học thì phải hành, nếu không, những kiến thức kia sẽ mòn trôi theo năm tháng mà thôi.
Chu Thùy Linh
Trung học: Kogarah High School (year 9 to 12)
Đạt điểm ATAR: 99
Hiện đang theo học năm thứ nhất Kĩ sư (hoá học) & Cử nhân Toán (2012-2017) Đại học Sydney
Gõ cửa văn hóa từ những chi tiết nhỏ thôi: Tiết kiệm nước hoặc tôn trọng sự riêng tư.
Kinh nghiệm về tiếng Anh thì bạn Linh đã giới thiệu với bạn rồi. Tớ chỉ bổ sung thêm kinh nghiệm là bạn nên tham gia trung tâm anh ngữ hoặc câu lạc bộ anh ngữ.
Nơi đây quả thực rất thích hợp cho việc rèn luyện giao tiếp và hòa nhập môi trường mới. Nếu bạn sang học trung học thì sở giáo dục New South Wales có những chương trình hỗ trợ tiếng anh từ 10 đến 20 tuần. Những chương trình tiếng Anh này được giảng dạy giống như trong trường trung học phổ thông công lập ở Australia. Vì thế bạn sẽ dễ dàng thích ứng và có nhiều bạn bè mới.
À mà có một điều quan trọng các bạn nên biết trước khi qua Australia là những sự khác biệt về văn hóa khi ở gia đình người bản xứ. Ở Australia, nhất là mùa hè thường thiếu nước ngọt nên các bạn nên lưu ý đừng sử dụng phòng tắm quá lâu.
Với bộ ba chúng tớ, mỗi ngày học tập và lớn lên tại New South Wales, Australia là mỗi ngày vui
Tớ khi mới qua cũng “ôm” phòng tắm lâu lâu nên đã từng bị chủ nhà nhắc nhở. Nhẹ nhàng thôi nhưng thấm thía. Khi đã ở gia đình người bản xứ thì nên tận dụng cơ hội để trở thành một thành viên của gia đình đó. Hãy xuống xem tivi chung, hãy cùng họ đi chơi thể thao trong công viên.
Những việc này giúp họ yêu quý bạn hơn, bạn cũng được thực tập tiếng Anh và bớt được nỗi nhớ nhà (nhất là những bạn trung học cơ sở qua sống một mình với người bản xứ). Thế nhưng, ngoài việc hòa hợp bạn cũng nên tôn trọng sự riêng tư của họ, chú ý gõ cửa để được phép vào phòng cua người khác là cử chỉ văn minh đấy.
Món quà tuyệt vời nhất tại trường chính là: “Được chọn những môn học mà bạn thích và hơn thế nữa”
Trường học thân thiện không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu suông. Những trường trung học phổ thông công lập của bang New South Wales cho phép bạn được chọn những môn học mà bạn thích (ngoại trừ tiếng anh). Đây là cơ hội để bạn có thể đạt điểm cao trong kỳ thi đại học bằng cách chọn những môn học mà bạn có thể đạt kết quả cao nhất. Tuyệt vời hơn, bạn có thể xin tư vấn từ những thầy cô bộ môn để có cái nhìn khái quát về môn học và đánh giá liệu bạn có thực sự thích hợp hay không.
Tự học và đọc là điểm trọng yếu trong cách dạy và học tại đây. Tại thư viện, bạn sẽ được nhìn thấy nhiều cuốn sách bổ sung kiến thức. Nhưng chìa khóa chính là hãy tập làm những bài kiểm tra trước để làm quen với những câu hỏi khác nhau. Bạn cũng nên tận dụng nguồn hỗ trợ từ giáo viên một cách triệt để. Khi thi vào đại học, tớ đăng ký vào nhiều trường khác nhau, bao gồm cả những trường ngoài bang New South Wales. Cô giáo hướng nghiệp của trường cũng không có nhiều kinh nghiệm với những trường ở bang khác, nhưng một khi tớ tìm đến để nhờ sự trợ giúp thì cô rất nhiệt tình.
Cô trò cùng tìm tòi và cùng bàn bạc những việc cần làm khi nôp đơn. Việc quan trọng mà tớ muốn nêu lên là, những trường học công lập ở Australia tạo nhiều điều kiện để giúp bạn thành công.
Với tớ, ngay khi có ý định đi du học, các bạn hãy nghiên cứu những điểm khác biệt về văn hóa và môi trường giáo dục để chiến thắng toàn diện ngay từ những ngày đầu.
Phan Huỳnh Du
Trung học: Concord High School
Đạt điểm ATAR 99
Hiện là Sinh viên năm thứ nhất khoa Y trường Đại học New South Wales
Huỳnh Du và Linh Chi (phải) hào hứng kể lại những trải nghiệm du học của mình
Từ chú ếch đáy giếng đến những ước mơ xa…
Tớ sang Australia năm 2007, lúc ấy như một chú ếch ngồi đáy giếng thôi, bồn chồn, bỡ ngỡ chưa bao giờ có ý nghĩ bản thân mình sẽ khám phá thế giới bên ngoài. Tớ lúc ấy chỉ hài lòng với hiện tại thôi, đó là được sống với bố mẹ, chơi với những người bạn thân quen và tóm lại là ở nhà thôi.
Nhưng khi sang Australia, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh. “Món quà” đầu tiên tại Australia chính là cái lạnh giữa đông khiến tớ sợ run. Rồi cảm giác như…chú ếch khi ngồi ôm facebook và tự hỏi những câu ngớ ngẩn “Liệu mình có hối tiếc những ngày qua?”. Nhưng những món quà sau đó đã đến rất nhanh khiến tớ phải thay đổi suy nghĩ và hành động: Đó là môi trường thân thiện, là những người bạn mới và trải nghiệm thật thú vị với những môn học mà thoạt nghĩ thì cũng khá là run. Học sinh Việt Nam là những con người siêng năng, luôn vươn lên trong học tập.
Đây là yếu tố quan trọng, yếu tố quyết định cho sự thành công của bất kì du học sinh Việt Nam nào, dù bạn sinh sống và học tập tại đâu. Những người bạn đến từ nhiều quốc gia, những thầy cô luôn mỉm cười thân thiện đã mở ra cơ hội cho tớ theo đuổi ước mơ của mình, để có thể tìm được góc riêng của mình.
Bạn biết không, tớ đã học được nhiều bài học quý giá tại đây nhưng có lẽ thứ tớ trân trọng nhất là “Những lựa chọn khiến tớ là tớ, một con người mà tớ cảm thấy tự hào hơn” . Thì đây, một “tên” tràn đầy sự tự tin thay vì một cô nhóc lúc nào cũng nhút nhát. Một sinh viên mạnh mẽ thay vì yếu đuối, tự lập thay vì dựa dẫm.
Chuyện học hành thì bạn Du và Linh đã kể nhiều rồi, riêng tớ thì sự chủ động và tự tin là chìa khóa khai mở nền văn hóa học tập đa dạng và thú vị như tại New South Wales, Australia.
Quang Thùy Vy
Trung Học: Chester Hill High School (Y11-12)
Đạt điểm ATAR: 99.65
Hiện là sinh viên năm 2 Khoa Dược Đại học Sydney